Trời lại mưa. Đó là ngày mưa thứ ba liên tiếp kể từ khi gánh hát lô tô Sông Nam đến xã miền núi này. Ở cái nơi mà người ta thường đi ngủ sớm, giờ ngập ngụa trong làn nước mưa càng thêm ảm đạm và buồn chán.
Hắn ngồi bó gối trong căn phòng nhỏ dựng tạm dưới gầm sân khấu. Xung quanh toàn là nước với nước. Những giọt nước mưa cứ chui qua những lỗ thủng của tấm bạt căng phía trên mà chảy xuống ròng ròng. Mấy tấm bìa carton lót dưới nền cũng trở nên ướt sũng. Nói chung là không còn chỗ nào khô ráo hơn được nữa ngoại trừ cái góc hắn đang ngồi.
Người ta nói sống ở gánh lô tô là chịu cảnh ” gạo chợ nước sông”, “rày đây mai đó” nhưng chắc lúc đó người ta quên mất câu “ướt như chuột lột”, “lạnh sun vòi” mất rồi thì phải; hắn thầm nghĩ.
Hắn gia nhập gánh lô tô một cách khá tình cờ. Đận đó, gánh hát lô tô Sông Nam dừng chân tại thị trấn nơi hắn đang sống. Một thị trấn nhỏ với dăm bảy con đường dốc ngoằn ngoèo nằm dưới ánh đèn loe lóe, tỏa thứ ánh sáng vàng vọt trông buồn hiu hắt. Một thị trấn chẳng có đủ chỗ cho một thằng như hắn vật vạ kiếm miếng ăn. Đành bước đến đoàn lô tô để xin cho mình một công việc để làm.
Ông bầu nhìn hắn một lượt từ đầu đến chân rồi phán: “Cũng được. Nhưng theo hội chợ cực lắm. Nhắm có nổi không?”
Hắn mừng như bắt được vàng. Dù cực nhưng cũng không đến nổi phải vật vạ “nay chôm chỗ này, mai thò chỗ khác” rồi lại bị người ta bắt được dần cho một trận nên thân. Ít ra cũng có một việc làm được coi là “lương thiện” với mình. Hắn nhanh chóng gật đầu, chỉ sợ lát nữa đây ông bầu đổi ý.
Vơ vội vài bộ quần áo, hắn nhanh chóng nhập đoàn trên chiếc xe ba mươi chỗ ngồi cũ kỹ, ì ạch, nhả từng làn khói đen xì bắt đầu cuộc sống mới.
Gánh lô tô Sông Nam gồm hai mươi hai người cả thảy, tính luôn cả hắn và ông bầu. Mỗi người mỗi cảnh nhưng ai cũng đều nghèo và có quá khứ đáng thương. Nếu không thì cũng chả ai muốn phải vật vạ hết nơi này đến nơi khác để kiếm miếng ăn. Còn quá khứ thì cũng không ai muốn nhắc lại làm gì? Có nhắc cũng chỉ là gợi lại những kí ức đau buồn bên trong. Thôi thì đành chấp nhận để hy vọng vào một điều gì đó tốt đẹp hơn. Hi vọng thì cứ hi vọng còn tương lai thì thấy đâu cũng mờ mịt cả. Hắn cũng có khá gì hơn…
Thấm thoát thế mà cũng đã ba bốn năm rồi. Từ một thằng con trai mười sáu tuổi ngày ấy thì giờ hắn đã ra dáng thanh niên rồi còn gì nữa? Mà cũng đúng thôi. Hắn có tình nhân cơ mà. Không phải hắn và chị My đang sống chung trong căn phòng này sao?
Hắn đưa mắt nhìn về phía My đang cố gắng dùng cuộn băng keo dán lại những lỗ thủng. Nhưng dán chỗ này nước lại đùn sang chỗ khác. Chừng như bất lực và chán nản, chị quẳng cuộn băng keo sang một bên, miệng lẩm bẩm: ” Kệ nó. Thua rồi”. Đoạn chị quay sang nhìn hắn đang thu mình trong góc hỏi:
– Lạnh hả cưng?
Hắn gật đầu xác nhận. Bờ môi run lập cập đành phải giữ hơi mà chống chọi với cái lạnh thay vì trả lời chị lúc này. My hỏi tiếp:
– Sang bên kia đường làm vài ly rượu cho ấm bụng không cưng?
Hắn nhìn ra phía ngoài qua cái lỗ thủng trên vách tôn. Trời mưa như thế này không biết bao giờ tạnh nữa. Thay vì ngồi chịu ướt thì sang bên kia đường cũng ấm áp hơn. Hắn nhanh chóng gật đầu với chị trước khi khoác tấm áo mưa mà chạy sang quán nhậu bình dân cách chỗ gánh hát đang ở chừng hơn trăm mét.
Quán nhỏ, cũng chỉ dăm ba thứ lèo tèo, không như ở phố. Mà với hắn lúc này cũng chỉ cần rượu cho ấm bụng. My gọi hai xị rượu đế kèm theo con khô đuối, vừa đủ để hắn và chị lai rai. Đưa ly rượu đưa lên miệng uống cạn, chị ngước mắt lên nhìn hắn nói bằng giọng buồn buồn:
– Cha chị bệnh nặng chắc không qua khỏi. Muốn gởi ít tiền mà trời cứ mưa gió thế này…
My bỏ dỡ câu nói của mình. Chắc ngại nhắc đến tiền. Với những người trong gánh lô tô thì nắng còn đỡ chứ mưa thì xác định đói. Hắn đưa mắt nhìn chị, ngây ngô hỏi:
– Sao chị không về thăm cha? Trời mưa gió thế này cũng đâu làm ăn gì được đâu? Xin ông bầu cho nghỉ vài ngày chứ mấy.
-Chị cũng biết trời mưa như này thì có ở lại cũng không làm được gì. Chị cũng muốn về. Nhưng sợ cha chị nhìn thấy chị, ổng lại ra đi sớm hơn.
My cười. Nụ cười của người đàn bà đã gần bốn mươi tuổi đang cố tình che giấu nghẹn ngào, uất ức bên trong. Mà gọi chị là đàn bà cũng không phải. Chỉ là một người đàn bà không trọn vẹn đành bám theo gánh hát lô tô kiếm sống qua ngày mà người ta hay gọi là bóng, pê đê,…
Không biết dùng lời gì để an ủi chị, hắn đành tự tay rót ly rượu thật đầy đưa lên miệng uống. Những giọt rượu trôi qua cổ họng nghe đắng chát. Cuộc đời của những phận người trong gánh hát lô tô cũng cũng đắng chát khác gì những ly rượu kia đâu.
My lại rót tiếp ly rượu đưa lên miệng uống. Hình như chị bắt đầu say. Đôi mắt bắt đầu ngân ngấn nước. Và chị bắt đầu kể hắn nghe nhưng đây là lần đầu tiên chị nói về gia đình chị thay vì gã A, B, X…nào đó từng lừa chị. Có lẽ chị cũng đang muốn trút tất cả lòng mình khi nhắc về cha chị, để quyết định mình có về hay không?
-Cưng biết hôn? Quê chị nghèo lắm. Muốn đến được đó phải đi qua một cánh đồng trước khi đặt chân đến đầu xóm. Xóm nhỏ nên nhiều chuyện thấy sợ. Hồi chị còn bé xíu như này…
My đưa tay ra làm dấu trước khi uống nốt ly rượu. Chị cứ nói mà không hề để ý là hắn có chú ý nghe hay không? Người ta nói ; Rượu vào lời ra cũng đúng. Ít nhất trong trường hợp của chị lúc này.
– Tự nhiên chị thấy mình khang khác. Trong khi tụi con trai chơi đá bóng, bắn bi thì chị lại y như một đứa con gái khi thích áo đầm, để tóc dài. Mỗi sáng dậy đi tiểu là chị xấu hổ. Nghĩ mà mắc cười dễ sợ.
Hắn hỏi chị:
– Má chị có biết không?
– Lúc đầu thì không. Chị đâu có dám nói. Mãi đến khi bả thấy chị mặc quần áo của chị hai trước gương mới phát hoảng mà khóc ngất. Cha chị biết chuyện. Ổng trói chị ra gốc xoài trước nhà đập cho một trận, bắt chị chừa. Mà hồi đó ở quê. Có ai như mình đâu nên chuyện của chị là ghê gớm lắm. Cha chị xấu hổ nên đập chị càng dữ. Mà chị đâu có sợ. Cưng nhìn thấy vết sẹo này không?
Chị nói xong liền vén tóc lên để lộ vết sẹo chạy dài bên thái dương. Có lẽ bình thường chị dùng mái tóc che đi nên hắn không để ý.
Hắn gật đầu xác nhận để chị biết hắn nhìn thấy.
– Bữa đó ổng giận quá. Sẵn cây đòn gánh trên tay, ổng quất xuống đầu chị. Máu chảy tùm lum. Chị không ngất mà chị hai chị ngất mới kì. Nhìn thấy máu nhiều quá bả sợ. Sau đợt đó chị bỏ nhà đi theo gánh hát lô tô luôn. Cũng may là lúc đó gánh hát này về xóm, chị mới có cơ hội chứ quanh năm không ra khỏi nhà thì biết đi đâu.
My khẽ đọc một đoạn thơ mà hắn cũng không biết nó nằm ở đâu. Chắc có lẽ do những người trong gánh lô tô tự chế ra mà chị đã thuộc lòng:
” Ngỡ là đời trôi sông lạc chợ
Không ngày mong tìm được bến bờ
Có ngờ đâu một lần duyên nợ
Buộc cuộc đời lạc chợ trôi sông”;
bằng cái giọng mà hắn nghe cũng thấy buồn thê lương, nẫu dạ. Bên ngoài mưa vẫn cứ rơi. Bên trong quán nhậu cũng chỉ có hai người. Khuôn mặt lúc nào cũng bong bóng thứ phấn son rẻ tiền và đôi mày lá liễu của My co dúm lại khi cố nuốt hết ly rượu. Rượu cũng đã dần vơi phân nửa. Hắn hỏi:
– Sau lần đó chị có về nhà nữa không?
– Có chứ sao không? Dù gì cũng cha mẹ mình mà. Chị về làm lại giấy khai sinh lấy tên “Trà My” thay cho “Hoài Nam” đó. Lần đó ổng không đánh chị nữa mà trừng mắt nhìn chị rồi nói: “Mày đổi tên tao đặt thì đừng bao giờ gọi tao là cha nữa. Chừng nào tao còn sống thì mày đừng bước về nhà nữa”.
Hắn thấy cuộc đời đúng là trêu ngươi. Chị tên “Hoài Nam” mà không thể gồng mình nam tính tí nào cả. Còn hắn mang tên “Ngọc” đáng lẽ ra phải quý giá thì lại vất vưởng kiếm sống qua ngày. Hắn hỏi tiếp:
-Rồi chị đi luôn? Còn má chị thì sao?
-Má chị, bả thương chị lắm. Nhưng trước giờ bả sợ cha nên nào dám lên tiếng. Hôm chị đi bả còn dúi đâu đó mấy trăm ngàn nhưng chị không nhận. Nghĩ mà tội cho bả. Không biết ở nhà nghe những lời chì chiết của cha chị, bả có chịu nổi hay không? Ổng cứ đỗ lỗi tại má. Mà bả cũng đâu có lỗi gì đâu?
Hình như những giọt nước mắt bắt đầu rơi nhiều trên đôi gò má của chị, kéo theo cả lớp phấn son dày cộm trôi theo nó. Hắn chẳng còn đủ kiên nhẫn mà ngồi nghe chị kể tiếp đành nói như ra lệnh:
– Uống vậy đủ rồi. Thôi về.
Chị đứng dậy làm theo lời hắn như một cái máy. Nhưng lần này hắn không thấy mình uy quyền chỗ nào mà tựa hồ như có gì đó đang đâm vào tim hắn nghe nhoi nhói. Nó làm hắn nhớ lại cũng từng bị dì ghẻ đuổi ra khỏi nhà sau khi cha hắn mất. Nỗi đau này hắn hiểu rất rõ.
Trời tạnh dần. Hai chiếc bóng lại dắt nhau về căn phòng tạm nằm dưới gầm sân khấu. Hắn thầm mong; ngày mai nắng lên…
Sau mấy ngày mưa thì thời tiết bắt đầu tạnh. Không biết là do lời cầu khấn của hắn linh nghiệm hay ông trời xót thương cho hoàn cảnh của những phận người phiêu bạt đang sắp chết đói. Mấy tấm bạt đậy trên các gian trò chơi vội vã được giở ra. Nụ cười trên môi của chị Tân “phi tiêu”, anh Hùng “nhạc công”. anh Lâm “bắn súng”,…làm không khí của đoàn khác hẳn. Tiếng nhạc xập xình lại vang lên cùng với những ngọn đèn chạy bằng chiếc máy nổ được bật sáng choang. Hắn cũng hồ hởi chuẩn bị cho công việc của mình. Cũng là mấy tờ vé lô tô với túi phấn trên tay mà sao vui lắm. Cái thằng con trai mười chín tuổi như hắn mà cứ suốt ngày ru rú trong phòng thì không “xì trét” mới lạ.
Bảy giờ tối, khách bắt đầu đông dần lên. Chị My cũng bắt đầu chuẩn bị cho suất diễn của mình, bên cạnh chị Nga và chị Thanh. Ba “đào hát” của đoàn lô tô.
Con số gì đây…con số gì đây…cờ ra con mấy…con mấy gì ra…Chim trên đồng chim trên non chim tung cánh xóa tan sương mù chim trong hồn chim trong tim ôi thương quá tiếng chim Việt Nam…Con số tám…con số tám…”
My cầm con số vừa lấy ra khỏi lồng quay mà hát say sưa. Mắt chị nhìn về phía bên dưới, nơi đám đông cũng đang chăm chú nhìn về phía mình. Có lẽ niềm vui lớn nhất của chị là những lúc như thế này khi được đứng trên sân khấu, được mặt những bộ váy mình ưa thích và được cất cao tiếng hát. Dù giọng hát của chị cũng không được hay cho lắm. Còn hắn lại len lỏi trong đám đông để bán vé cho lần quay kế tiếp. Lâu lâu lại đưa mắt nhìn về phía chị ra hiệu còn nhiều hay ít.
Hắn cố tình đi ngang qua gian trò chơi ném phi tiêu, nơi có con bé trạc tuổi hắn vừa vào đoàn cách đây ít hôm. Bên cạnh là gã đàn ông mà không cần nhìn mặt hắn cũng biết là tay Tuấn “mọi”. Tự nhiên hắn thấy ghen. Hắn không biết vì sao hàng đêm hắn nằm bên chị My mà lại nghĩ đến con bé. Mà tự nhiên không yêu ai lại đi yêu Tuấn “mọi”, gã đàn ông sát gái trong đoàn. Gọi là Tuấn “mọi” không phải vì hắn đen đúa dơ bẩn mà vì gã tán gái chẳng chừa một ai. Miễn là thỏa mãn được cái nhu cầu sinh lý của gã. Hắn thấy lo lo cho cô bé nhưng tặc lưỡi lướt qua; Kệ nó. Ngu thì chịu. Miệng thì nói vậy chứ trong bụng hắn đang tức anh ách. Nếu không vì Tuấn “mọi” to con thì hắn cũng tìm cớ mà gây sự rồi.
Hắn nhớ cái lần đoàn lô tô đến thị trấn X. Không hiểu tay Tuấn “mọi” thậm thụt thế nào mà lúc đoàn sắp dời đi thì có cô gái đến sống chết đòi theo làm cả đoàn náo loạn. Trong khi tay Tuấn thì chuồn đi đâu mất. Mấy ngày sau mới nhập lại đoàn. Đúng là thứ sở khanh. Hắn lại nghĩ; “Nếu như mình rời xa My có phải cũng là sở khanh không nhỉ?”. Nhưng ý nghĩ vừa thoáng qua đã bị dập tắt bởi tiếng kêu: ” Ê…cho hai vé đi” từ đâu đó phát ra làm hắn phải đảo mắt tìm kiếm.
Đêm đó, hắn nằm gọn trong lòng chị. Đôi tay mân mê tựa hồ như đứa trẻ đang tìm bầu vú mẹ. Chị bật cười:
– Nhột cưng. Mà toàn đồ giả có gì đâu mà thích.
Hắn thừa biết trên người chị không có chỗ nào thật cả. Biết cả cái lần chị sang Thái nhưng không đủ tiền đến bệnh viện đành chọn một phòng khám tư gần đó để phẫu thuật. Biết cả việc chị về sớm mà không ở lại tiêm thuốc cho lành sẹo. Hậu quả là trên bầu ngực chị vẫn còn vết sẹo chạy dài. Nhưng hắn vẫn thích. Không biết là do hắn mới lớn lửa tình ngun ngút hay do lâu ngày thiếu bàn tay của mẹ.
Tự nhiên hắn lại cản thấy bất nhẫn khi nghĩ tới bộ ngực của chị cứ vô tình khoe trên sân khấu, vô tình bị đụng chạm và cả những lần trước đây bàn tay của mấy gã đàn ông cũng làm như hắn . Hắn giận dỗi quay mặt vào trong không thèm ôm chị nữa.
My quay sang hắn hỏi khẽ
– Cưng giận chị à?
– Không.
– Chắc mai chị sẽ về quê thăm cha chị.
Ừ. Chị nên về vì dù sao đó cũng là nhà chị, là cha mẹ chị.
Hắn nghe tiếng thở dài của My rơi vào trong khoảng lặng nhưng lại im lặng giả vờ như đã ngủ. Ít ra My còn có nhà để về thăm còn hắn biết về thăm ai bây giờ? Hắn nhớ mẹ. Người đàn bà bạc mệnh ra đi khi hắn chưa đầy năm tuổi đã kéo luôn cả tương lai của hắn đi theo. Bất giác những giọt nước mắt ứa ra rơi xuống môi hắn mằn mặn. Hắn lại nghĩ đến cô bé mới vào đoàn. Có phải bàn tay tham lam của Tuấn “mọi” cũng sẽ mân mê đôi bầu ngực chưa kịp lớn của cô bé? Hắn không biết mình tại sao như vậy nữa? Hắn nghĩ ngày mai hắn sẽ nói với cho cô bé biết về Tuấn “mọi”, về tình cảm của hắn dành cho con bé. Nhưng dự định chỉ là dự định mà mãi sau này gặp lại hắn vẫn chưa có dịp thổ lộ điều đó.
Hắn quay sang nhìn chị My đã ngủ say sau một đêm mệt nhoài trên sân khấu. Hắn khẽ thì thầm: “Xin lỗi chị. Ngày mai em cũng sẽ ra đi…”. Dù sao hắn cũng mới mười chín tuổi. Cũng cần phải ra đi để bắt đầu những thử thách mới đang chờ hắn ở phía trước, chứ không thể mãi làm người tình của chị, không thể bám trụ vào cái gánh lô tô nghèo kiết xác này mãi.
Phía xa xa, con gà trống của nhà ai đó vừa cất tiếng gáy báo hiệu ngày mới bắt đầu…
Hết
Quốc Việt
Ảnh mượn mạng
Bạn vừa xem qua truyện ngắn Gánh Phong Sương của tác giả Quốc Việt với hình ảnh của những thành viên trong đoàn Lô Tô với mỗi người là mỗi hoàn cảnh, cùng nhiều nỗi lòng muốn nói. A4Y.ORG mời bạn xem tiếp bài tản văn Lắng Nghe Trăng Sao Kể Chuyện viết cho mùa trung thu năm nay của tác giả Nga Cao nhé!.
Temmm
Teeeeeeem
Hay quá em
Chị có nick không
À , chịp ❤
Thương!
Hay quá
Đời thật ở các gánh lô tô miền Tây Nam bộ, mấy “ chị” đều như thế cả.
Ba nó lị viết truyện hử. Hay thía
Hay a
Chấm đã, tối đọc
Buồn cho những phận người…
Nhìn qua thấy khung cảnh rất xưa nhưng nhìn kỹ thì dàn đèn, dàn loa khủng quá 🙂
Chuyện buồn thế huhu
Hắn rời xa chị My, kể cũng buồn nhỉ
Thương hắn, thương những con người một thời vất vả kiếm sống…
Chị nghe nói ở miền trong nhiều phận đời như vậy phải ko em?
Những phận đời cực nhọc – buồn thật
xem trên youtube thấy hay2 mờ ko nghĩ họ lại long đong vất vả để kiếm sống như thế?
Những phận đời như vầy em gặp cũng nhiều. Buồn cậu ạ
Những mảnh đời mang nhiều tâm sự buồn ! Truyện ngắn hay quá V ợ ! ❤️
chấm phát ,phia đọc
Đọc đoạn đầu tưởng là chị mà hoá ra không phải chị nhưng vẫn gọi chị. Đùa chớ đọc truyện này phải ngó lên xem có đúng tên ló không Quốc Việt. Giọng khác khác mất truyện gần đây
Thương những phận người …cảm giác họ cũng lang thang như dân du mục .
Mình đã đọc “Thằng hề” của tg Phạm Hà… sao lại có những con người kg có lòng trắc ẩn ác ng đến vô cảm . Rất thương họ những mảnh đời trong gách xiếc cậu ạ.
Chị thích nghe kêu lô tô lắm
Chị thì ngược với Quỳnh Lê
Mấy năm trước có phim tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, rồi phim “Lô tô” của a Huỳnh Anh Tuấn về đề tài này quá xúc động.