Lắng Nghe Trăng Sao Kể Chuyện (Viết Cho Đêm Trung Thu)

Lắng Nghe Trăng Sao Kể Chuyện (Viết Cho Đêm Trung Thu)

“Mẹ ơi! Cái dải màu trắng sáng vắt ngang bầu trời kia là gì vậy mẹ?” “Đó là sông Ngân Hà con ạ!”

Đối với một đứa trẻ thì bầu trời bao la trên cao kia luôn chứa đựng những điều bí ẩn vô cùng kỳ diệu. Nó càng trở nên diệu kỳ và thú vị hơn vào mỗi buổi tối mùa hè khi cả nhà trải chiếu ngoài sân để nằm hóng mát, ngắm sao trời, ngắm trăng và nghe mẹ kể chuyện cổ tích.

Kia là một chòm sao lấp lánh gồm bốn ngôi xếp thành hình chữ nhật và ba ngôi khác nối thẳng hàng như một chiếc cán dài. Người ta gọi đó là “Bắc đẩu thất tinh” nhưng mẹ nói người dân quê thích gọi là chiếc gầu sòng của trời thường được ngài Thần Nông sử dụng để tát nước giúp dân vào mỗi vụ mùa hạn hán. Mẹ còn chỉ cho chúng tôi thấy đây là chòm sao con vịt, kia là ông già khom lưng ngồi câu cá bên sông Ngân (Lã Vọng).

Sự tích sao Hôm, sao Mai là một câu chuyện rất buồn. Có hai anh em nhà kia, người anh phải đi lính xa nhà nên dặn dò em trai trông nom bảo vệ chị dâu cho cẩn thận. Người em nghe lời anh, đêm đêm nằm phía ngoài cửa sổ buồng chị đặt một bàn tay lên bụng để canh chừng. Chẳng ngờ đâu một thời gian sau chị dâu lại có thai, người em sợ bị hiểu lầm nên bỏ nhà ra đi. Đến đỉnh núi cao nhất ở phía tây thì anh kiệt sức mà chết gục. Người anh trở về thấy thế thì vô cùng tức giận buông lời nhục mạ mặc cho chị vợ ra sức thanh minh. Đến khi chị sinh ra chỉ có một cái bàn tay anh mới vỡ lẽ mọi chuyện thì đã quá muộn. Bỏ nhà cất công đi tìm em nhưng chân mây góc bể nào đâu thấy bóng người nên anh ta tuyệt vọng mà chết ở bờ biển phía đông khi trời vừa hửng sáng. Ngọc Hoàng cảm thương tình cảnh của họ nên hoá phép linh hồn người anh thành ngôi sao Mai em thành ngôi sao Hôm. Hai ngôi sao sáng nhất bầu trời nhưng cứ chạy đuổi theo nhau hoài muôn đời không thể gặp. Còn người vợ ở nhà đợi mãi không thấy chồng và em trở về nên cũng đi tìm băng rừng băng núi chết đi thành ngôi sao Vượt, Cái bàn tay thì hoá thành sao Rua để nâng đỡ nỗi khổ đau oan trái cho cả ba người.

Mãi sau này tôi mới biết sao Hôm sao Mai thực ra chỉ là một hành tinh mang tên sao Kim hay còn gọi Thái Bạch Kim Tinh mọc lên lúc chiều hôm ở phía tây và lặn ở phía đông lúc đầu ngày, trái ngược hẳn với chu kỳ mọc lặn của mặt trời. Nhưng đó chuyện của khoa học của các nhà thiên văn, còn khi đó chị em tôi chỉ biết nghe như nuốt từng lời mẹ kể và khóc thương cho số phận những con người. Chúng tôi tự rút ra bài học rằng, đã là người thân thì phải yêu thương tin tưởng lẫn nhau đừng vì cố chấp hiểu lầm mà dẫn đến điều đáng tiếc.

Mẹ tôi thuộc rất nhiều truyện cổ. Mỗi câu chuyện lại mang một ý nghĩa giáo dục và răn đời sâu sắc mà với đầu óc non nớt của chúng tôi khi đó cũng chỉ hiểu được phần nào. Nhưng mẹ vẫn cứ kể, tỉ tê như một làn sương mảnh cứ thâm thấm từng đêm rồi cũng đến ngày ướt áo.

Tôi nhớ bàn tay mẹ, đôi bàn tay thô ráp, nứt nẻ vừa lùa vào lưng vào tóc tôi xoa xoa, gãi gãi vừa thì thầm kể chuyện. Trong phút chốc tôi thấy mình là nàng Hằng Nga xinh đẹp bất ngờ bay vút lên cung trăng sau khi nuốt phải một viên linh đan. Cung Quảng Hàn rất đẹp và rộn ràng với bầy tiên nữ đang ca múa khúc Nghê thường nhưng tôi lại thấy buồn và cô đơn lắm lắm nên cứ hoài dõi ánh mắt xuống trần gian và …khóc gọi mẹ. Bất chợt bàn tay thô ráp lay lay: “mơ gì thế con, vào nhà ngủ không muỗi cắn”. Tôi chợt tỉnh, níu lấy bàn tay ấy và ngay lập tức lại chìm luôn vào giấc ngủ ngả nghiêng trên vai mẹ.

Những ngày mùa đông lạnh không thể trải chiếu ngắm sao, nằm trong chăn ấm mấy mẹ con lại rúc rích nô đùa:

“Nằm ngoài ăn khoai chấm mật
Nằm giữa ăn nửa khúc giò
Nằm trong ăn lòng lợn thối.”

Tất nhiên không đứa nào muốn ăn lòng lợn thối cả, đứa nào cũng muốn ăn giò và muốn nằm cạnh mẹ. Vậy là chúng tôi lại chí choé tranh nhau khiến tấm chăn hẹp rơi cả xuống đất. Trật tự chỉ được lập lại khi mẹ bắt đầu kể về sự tích rét nàng Bân và tôi thì mơ mòng về cái ngày mình trở thành thiếu nữ, chắc chắn khi ấy tôi sẽ là một cô gái đảm chứ chẳng thể vụng về như nàng công chúa út của Ngọc Hoàng.

Những câu chuyện mẹ kể nhuốm đầy ánh trăng và mùi hương sen thơm ngát toả về. Nhà tôi ở gần cái giếng làng được trồng toàn sen. Giếng rộng như một cái hồ nhỏ hình tròn có thành bao quanh thấp thấp ngang đầu gối người lớn. Những bậc xuống giếng dài dài xây bằng gạch đỏ được gọi là “cầu giếng” mơn man những lá sen xanh ghé vào hai bên thành cầu. Lúc này quê tôi cũng đã nhiều nhà có bể nước mưa nên chỉ một số nhà còn dùng nước giếng. Nhà tôi chưa có bể, cũng chưa có mái bằng, mái ngói nên không thể hứng và dự trữ nước mưa. Ở góc sân, cạnh gốc cau có hai cái chum sành lớn, mẹ gánh nước giếng về đổ đầy rồi đánh phèn dùng làm nước ăn uống hàng ngày. Những đêm có trăng, tôi hay mở nắp chum, khoắng tay vào nghịch nước. Nhìn những mảnh vàng vỡ tan lấp la, lấp lánh tâm hồn tôi lại không thôi mơ mộng và tưởng tượng:

“Sân nhà em sáng quá
Nhờ ánh trăng sáng ngời
Trăng tròn như cái đĩa
Lơ lửng mà không rơi

Những đêm nào trăng khuyết
Trông giống con thuyền trôi
Em đi trăng theo bước
Như muốn cùng đi chơi”
(Thơ Trần Đăng Khoa)

Xao xác đâu đó có tiếng chửi mất bưởi, mất cam và tiếng chân trẻ chạy rào rào. Vài con chó sủa rộn lên oăng oẳng rồi tắt lịm. Cả không gian chỉ còn lại toàn là trăng. “Ánh trăng làm đẹp cả những thứ vốn ban ngày không đẹp”, ấy là ông Nam Cao nói thế. Có lẽ rằng ông nói đúng bởi lẽ dưới ánh trăng mọi thứ bỗng trở nên lung linh, lãng mạn đến lạ kỳ. Cả tiếng chửi kia, cả tiếng chó sủa và những trái bưởi non lăn lóc dưới đường. Lũ trẻ hái quả cũng giống như đang bày một trò chơi và người chửi mất trộm cũng gọi là cho có lệ vậy thôi.

Trăng trung thu là đẹp nhất vì nó là vầng trăng dành riêng cho tuổi thơ, là đêm hội lung linh gắn liền với Hằng Nga, Chú Cuội với những bài đồng dao trong trẻo hồn nhiên:

“Chú Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên đồi
Mẹ còn cưỡi ngựa đi chơi đồng bằng.”

Nó còn gắn liền với câu chuyện về một người mẹ đã hy sinh vì sứ mệnh cao cả hóa thân thành ánh trăng dịu dàng toả sáng cho đêm đen của mặt đất mà phải rời xa những đứa con bé bỏng của mình. Chính vì vậy tục làm cỗ cúng trăng còn có thêm một ý nghĩa là tấm lòng hiếu kính của con cái dâng lên mẹ.

Tuổi thơ tôi chưa từng có một mâm cỗ trung thu đầy đặn ngoài mấy nắm bỏng ngô hay vài quả ổi còi nhưng tôi cũng chưa bao giờ thấy buồn tủi vì điều đó bởi tôi hiểu đấy là tất cả những gì cha mẹ có thể làm cho chúng tôi bằng tình yêu thương vô bờ bến. Đến bây giờ bỗng dưng tôi lại thấy tâm hồn mình “giàu có” bởi chính những kỷ niệm nghèo nàn xa xưa ấy.

Cậu con trai út của tôi năm nay học lớp bốn. Mỗi buổi chiều tan học thường được tôi đón đến chỗ làm rồi tối muộn mới trở về nhà. Một lần trên đường về, nó bỗng níu áo tôi và nói: “Mẹ ơi! Hoa sữa thơm quá!” Tôi bỗng giật mình, hoá ra mùa thu đã về thật rồi. Thảo nào dạo này cứ thấy lòng mình bâng khuâng man mác thật khó tả, giông giống một nỗi buồn mà không tìm được lý do. Tôi vòng một tay ra sau xe ôm nhẹ lấy con và hỏi: “sắp trung thu rồi con muốn như thế nào?” “Thì lại chăng đèn kết hoa rồi cả xóm nấu cỗ ăn chung như năm ngoái sau đó bật nhạc hát theo… tivi”. Lòng tôi bỗng dưng chùng xuống, ước muốn của con sao mà nhỏ hẹp và tù túng đến thế.
Cũng phải thôi, con sinh ra và lớn lên ở thành phố, chưa bao giờ thấy trăng sao trôi trên bầu trời rộng lớn bao la nên ước mơ của con cũng bị giới hạn bởi một con ngõ nhỏ và cái không gian chằng chịt dây điện ở trên đầu.

Tôi đã quyết định rồi, ngày nghỉ cuối tuần tới tôi sẽ cho con về quê, dẫu chưa đến ngày trung thu, trăng chưa tròn nhưng chắc là vẫn sáng. Mẹ tôi bây giờ đã già, đôi lúc không còn minh mẫn để kể chuyện cổ tích như ngày xưa nhưng tôi sẽ thay mẹ kể cho con nghe. Và biết đâu, trong trí tượng của con trăng sao lại cất thành lời và thì thầm kể chuyện.

Nga Cao

*** Mời độc giả xem thêm Tản văn: Miên Man Tiếng Trống Thì Thùng (Tết Trung Thu) của tác giả Lam Giang trên trang A4Y.ORG – “Tất Cả Dành Cho Bạn”

Theo dõi
Thông báo của
guest
12 Comments
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Hồng Quân Phạm
Hồng Quân Phạm

Tem

Thanh Hải Tạ
Thanh Hải Tạ

Hằng Nga đã hiện hình rồi…

Hoa Diên Vỹ
Hoa Diên Vỹ

Ôi trượt tem ?

Thanh Hải Tạ
Thanh Hải Tạ

Đùa chút thôi , bài của chị hấp dẫn lắm. Em thích .

Hà Lê
Hà Lê

Ôi chị Hằng Nga xuống trần kề chiện ?

Hoa Diên Vỹ
Hoa Diên Vỹ

Hay lắm chị ôi. ?❤️❤️

Nguyễn Thanh Thủy
Nguyễn Thanh Thủy

Hay lắm chị

Quốc Việt
Quốc Việt

Mạ hung hãn dất

Lan Vương
Lan Vương

Truyện thần tiên

Tran Dieu Huong
Tran Dieu Huong

Gái họ Cao đấy!

Hường Lê
Hường Lê

Nài…. nài…. lúc nhận giải nhớ hú tui 1 tiếng nhá

Huynh Long
Huynh Long

Những câu chuyện cổ tích tuyệt vời.