Tản văn: Miên Man Tiếng Trống Thì Thùng (Tết Trung Thu)

Tản văn: Miên Man Tiếng Trống Thì Thùng (Tết Trung Thu)

Khi những giọt nắng cuối hạ chẳng đủ sức làm buồn lòng khóm cúc họa mi trên đồng vắng, từng cơn gió heo may nhẹ thổi mang theo biết bao xúc cảm, hoài niệm của mùa yêu thương, đoàn tụ, và đâu đó, trên phố đã lấp lánh những sắc màu xanh đỏ của bánh, của trống ếch, của đèn ông sao, đèn lồng….

Ấy là mùa trung thu trở về…

Trung thu – hai tiếng thân quen ấy đã ăn sâu trong tiềm thức của từng cô bé, cậu bé ngày xưa mà bây giờ là ông bà, mẹ cha và cả chúng ta hôm nay. Bởi đơn giản, trung thu là Tết của thiếu nhi. Cuộc đời mỗi con người, ai mà chẳng trải qua thời niên thiếu. Và Trung thu luôn đọng mãi trong tâm hồn ta, chan chứa bao nhiêu kỷ niệm hồn nhiên, tươi đẹp vì đó là dịp ta được quây quần, sẻ chia, vui chơi với gia đình, bạn bè, làng xóm, quê hương.

Tôi sinh ra nơi chốn quê nghèo, hết nắng lửa gió Lào lại đến bão lụt vây quanh. Không rầm rộ, tưng bừng, hoành tráng như ở thành phố và những địa phương có điều kiện khác, trung thu quê tôi những tháng năm xưa ấy vẫn diễn ra theo cách dân dã, khiêm nhường nhưng cũng thắm đượm tình quê.

Cứ khoảng gần một tháng nữa là đến trung thu, xóm bờ sông của tôi lại rậm rịch chuẩn bị mọi thứ cho đêm Rằm. Ngày đó, mọi thứ đồ chơi trung thu bán rất ít và không phong phú, đa dạng như bây giờ. Có chăng, chỉ vài cái mặt nạ làm bằng giấy bồi, một ít tò he, đèn lồng cá chép mà thôi.

Có lẽ sự háo hức, mong chờ nhất là lũ trẻ chúng tôi. Đứa nào khéo tay thì tự đi kiếm tre, nứa về hì hục làm đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn lồng. Đứa vụng về thì nhờ cha hay nhờ anh hàng xóm. Có những đứa thích chơi trội, tạo sự chú ý của mọi người thì quyết tâm làm chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân khổng lồ.

Dịp này, hễ bước chân vào nhà nào cũng đều có chung cảm nhận như một bãi chiến trường. Nào tre nứa, nào giấy pơ luya, giấy màu xanh đỏ, giấy bóng kính, nào hồ dán, dao kéo… bày la liệt ra sàn nhà. Mấy anh thanh niên có đầu óc “kinh doanh” thì tập trung làm đầu sư tử, tập múa, tập trống để đêm Rằm đi từng nhà múa sư tử và lấy tiền thưởng.

Khi cánh nam giới đang mải mê cắt cắt dán dán, tô tô vẽ vẽ thì các mẹ, các chị cùng nhau đi vận động từng nhà đóng góp chút tiền để góp vào làm cỗ trung thu cho các em, các cháu. Cũng chẳng nhiều nhặn gì, mỗi nhà và đồng bạc gọi là thêm vào mua tấm bánh, hoa quả, nước nôi để cho niềm vui của đêm Rằm thêm trọn vẹn.

Công tác chuẩn bị cho đêm Rằm cuối cùng đã hoàn thiện. Những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn lồng mới tinh còn thơm mùi hồ với nhiều màu sắc trông thật bắt mắt. Lũ trẻ chúng tôi đi xem sản phẩm của từng nhà và so sánh cái nào đẹp hơn rồi khen chê um củ tỏi lên làm lao xao cả xóm. Đây đó tiếng trống ếch, trống cái vang lên làm cho con tim như đập nhanh hơn. Đứa nào cũng mong nhanh đến đêm hội để được vui chơi, được sống trong không khí tưng bừng, ấm áp.

Khi ánh trăng rờ rỡ, bầu trời như cao hơn, trong hơn, mùi hương trầm thoảng bay trong gió, là lúc cả xóm nhỏ xốn xang vào hội. Hôm nay mẹ cho cả nhà ăn cơm sớm hơn mọi ngày. Anh em tôi xắm nắm từ chiều. Trời vừa chập tối, hai anh em đã cầm đèn ông sao đi về phía cuối xóm để gia nhập vào đoàn múa sư tử và rước đèn ông sao.

Đoàn người mỗi lúc một đông. Nào đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn lồng tỏa ánh sáng lung linh, kỳ diệu. Tiếng trống, tiếng chũm chọe, tiếng cười nói râm ran khắp nẻo đường quê. Tôi một tay cầm chiếc đèn ông sao do cha làm, một tay cầm cây nến dự phòng để thay khi nến trong đèn cháy hết. Có đứa mải xem múa sư tử mà nghiêng đèn làm lửa bắt vào giấy cháy rụi khiến ai nấy cười nghiêng ngả. Có đứa không có đèn lồng hay đèn ông sao bằng nứa, giấy mà chỉ có chiếc đèn lồng bằng vỏ bưởi mẹ làm cho. Nhìn ánh mắt vui tươi, nét mặt thơ thới của nó dưới ánh trăng Rằm cũng đủ thấy nó đang hạnh phúc đến nhường nào.

Sau màn rước đèn, múa sư tử xong, tất cả bọn trẻ trong xóm lại tập trung về khoảng sân rộng, nơi đó các mẹ, các chị đã chuẩn bị sẵn mâm cỗ trung thu. Mâm cỗ nào bánh khảo, kẹo lạc, kẹo vừng, bánh đa, các loại hoa quả, nước ngọt… lũ trẻ chúng tôi cùng ăn, cùng hát, cùng vui chơi với chị Hằng, anh Cuội. Trung thu cứ thế kéo tận đêm khuya mới dứt ra được, vui ơi là vui..!

Tôi nhớ có năm, tháng Tám lũ mới về. Lũ lớn. Nhà nhà ở xóm bờ sông chúng tôi thi nhau chạy lũ. Ai ai cũng lo bởi cơn lũ trái khoáy lại về đúng dịp trung thu. Chỉ còn hơn một tuần nữa là trung thu rồi mà nước lũ vẫn chưa chịu rút. Ngồi trên chiếc bè buộc ở giữa sân, xung quanh toàn nước bạc, cha tôi vẫn cần mẫn vót nan để làm đèn ông sao cho anh em tôi. Giấy màu, hồ dán thì mẹ đã nhờ người ngoài đê mua rồi họ lại nhờ người khác chèo thuyền đem ra cho. Vậy là cả nhà tôi vừa canh nước xuống để dọn nhà, dọn vườn vừa tranh thủ làm đèn ông sao để đón trung thu.

May thay, chỉ còn ba ngày nữa là đến Rằm trung thu thì nước lũ rút. Rều rác từ thượng nguồn đổ về, cây cối rau cỏ chết trụi, mùi tanh hôi của biết bao thứ cộng lại do ngâm nước lũ lâu ngày… cái xóm bờ sông của tôi trông thật tiêu điều, tan hoang. Mọi công sức của con người đổ ra cả năm trời đều trôi sống trôi biển hết. Chỉ mấy ngày thôi nên công việc dọn dẹp nhà cửa, nương vườn, đường làng ngõ xóm chưa thể sạch sẽ ngay được. Lũ trẻ chúng tôi thấy thế là mừng vì dù sao cũng được đón trung thu dưới đất chứ không phải ở trên nóc nhà hay trên bè nứa.

Đêm Rằm, cũng tiếng trống sư tử thì thùng vang lên nhưng không dồn dập, tưng bừng như năm trước. Chiếc đầu sư tử năm nay sử dụng lại của năm ngoái, đuôi sư tử được chú Tâm làm trên ủy ban cho mượn tấm băng rôn bằng vải đỏ đã bạc màu dùng để dán khẩu hiệu. Đoàn rước đèn ông sao chúng tôi cũng lác đác, lèo tèo vì có nhiều nhà ở sát bờ sông nước lũ vẫn chưa ra hết. Ai nấy đều xắn cao quần, lội bùn nhão nhoét dưới chân. Chỉ cần được cầm chiếc đèn ông sao trên tay, được nghe tiếng trống thì thùng thì tôi đã vui sướng lắm rồi.

Tan cuộc rước đèn, trở về nhà, nhìn thấy anh em tôi lấm lem bùn đất, cha tôi hỏi: “Hôm nay có vui không con?”. “Vui lắm cha à!”- tôi hớn hở trả lời cha. Cha nhìn anh em tôi khẽ mỉm cười, ánh mắt cha long lanh như có giọt nước bên trong. Chắc là cha cũng vui lây với niềm vui của con trẻ trong đêm trung thu nơi mảnh đất thiếu thốn, cơ hàn.

Nằm bên cha, tôi dần chìm sâu vào giấc ngủ sau những ngày đêm cùng gia đình, cùng bà con làng xóm bồng bềnh trên nước lũ. Trong tai tôi vẫn vẳng đâu đây tiếng trống thì thùng…

19.9.2020
Lam Giang

* Ảnh: cháu xin trên mạng ạ!

Theo dõi
Thông báo của
guest
3 Comments
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Nguyễn Thanh Thủy
Nguyễn Thanh Thủy

Tản hay lắm anh

Chiến Văn
Chiến Văn

Hay quá Anh ạ. Đọc mấy câu là duyệt ngay

Nguyễn Hồng
Nguyễn Hồng

Nửa đêm nghe tiếng thì thùng
Giật mình lại nhớ những trung thu nghèo!