Tản Văn: Rộn Rã Đêm Rằm (Trung Thu Cho Em)

Tản Văn: Rộn Rã Đêm Rằm (Trung Thu Cho Em)

“Phố chiều nay đông. Phố chiều nay đèn, sao ngập lối. Phố tấp nập người qua, tiếng nói cười, mua bán rộn rã.” – Cậu con trai bé nhỏ khẽ nói tôi nghe.

Khu phố nhỏ của tôi bận rộn chuẩn bị đêm rằm trung thu cho các cháu. Năm nào cũng vậy, từ đầu tháng 8 âm lịch là khu lại phát động đóng góp cho đêm trung thu, phát phần thưởng cho các cháu đạt thành tích trong học tập để các cháu phấn khởi vào năm học mới mà cố gắng. Trung thu phố tôi không chỉ dành cho trẻ con mà còn cho cả người lớn, tấp nập như nhà ai có cỗ.

Cô bé nắm tay mẹ phụng phịu bởi chiếc đèn kéo quân không phát nhạc. Cậu bé con hồn nhiên ôm hình lắp ghép siêu nhân, bộ dạng bắt chước siêu nhân biến hình. Không thấy bé nào hào hứng với đèn ông sao hay cái trống ếch con con, cách cách tùng. Bàn ghế sắp ngay ngắn dưới cái rạp bắc như rạp đám cưới, phông đèn sáng choang. Bộ loa xếp góc đang vang lên những bài hát thiếu nhi được thu qua cái usb nhỏ xíu, in trên màn chiếu bản nhạc trung thu remix rộn rã. “…Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh! Đây ánh sao vui chiếu xa sáng ngời. Tùng rinh rinh, rinh rinh tùng rinh rinh. Ánh sao Bác Hồ tỏa sáng nơi nơi!…”. Bài hát Chiếc đèn ông sao của nhạc sĩ Phạm Tuyên cứ vang lên nhưng chẳng đứa trẻ nào nhún nhảy theo.

Tiếng mời nhau ăn đủ các loại kẹo bánh có thương hiệu mà cứ tràn trề trên bàn không vơi. Trẻ con chẳng háo hức được chia phần bánh nướng, bánh dẻo, người lớn đưa chúng lại lắc đầu. Chúng chỉ quan tâm đồ chơi của bạn này có đèn phát sáng nhấp nháy, siêu nhân của bạn kia khỏe pin bước những bước đi hùng dũng như những siêu anh hùng trong phim. Tan buổi tổ chức cũng chỉ bố mẹ cầm phần quà mang về kẻo phí, những đứa trẻ chẳng quan tâm bởi chúng có thể ăn khi chúng thích. Cuộc sống đầy đủ nên chúng chẳng thấy thèm những thứ quà giản dị đêm trung thu, chỉ những bậc cha mẹ vẫn còn hoài niệm.

Đêm rằm nhưng trăng trốn biệt sau những tòa nhà cao tầng, nhìn mãi mới thấy trăng xa tít. Trăng dường như bé hơn, mờ hơn bởi ánh đèn cao áp, không như trăng ngày xưa tôi từng thấy. Một ông trăng to, tỏa ánh sáng dìu dịu trên cánh đồng quê mẹ. Ánh trăng ngập tràn các con ngõ nhỏ, ánh trăng lấp lánh đáy ao quê, tiếng búng nước của cá làm trăng vỡ ra trăm mảnh, ánh trăng len lỏi qua ngọn tre, chiếu rọi từng ngóc ngách, ánh trăng như ôm ấp cả làng quê nghèo khốn khó mà thân thương.

“Mẹ, xưa trung thu của mẹ thế nào?”

Trung thu của mẹ, nó giản dị mà vui lắm, chẳng đèn hoa lấp lánh như giờ. Cái xóm nghèo nhỏ ven đô thuở ấy, trẻ con tranh nhau chuẩn bị trung thu từ vài ngày trước. Cả xóm tập trung ở bãi đất trống phía trước nhà. Đứa kết tàu lá dừa làm cổng, đứa cắt dây hoa giấy với đủ sắc màu giăng giăng thành trại. Cách đó cả tuần, tụi con trai chặt những thanh tre làm đèn, vót mỏng, uốn cong tạo hình ngôi sao năm cánh. Tụi con gái khéo léo dùng cơm nguội dán kín khung bằng những miếng giấy thủ công màu đỏ, màu vàng, đủ cả. Tới đêm rằm, đứa nào cũng thích thú cầm đèn ông sao theo sau đội múa sư tử đi khắp các ngõ xóm. Những thanh củi cây xoan đốt lên thành tro, hì hục giã nhỏ mịn, bọc vào giấy, đầu kia dùng đất sét bít lại để đêm rằm đốt rồi tung lên trời. Giữa bãi đất trống bên cánh đồng bao la thơm mùi đòng đòng trổ bông, ánh sáng lấp lánh của than xoan được đốt như những vì sao bung tỏa, lũ trẻ mắt nheo hò reo, vui cười. Tiếng hạt bưởi khô được xiên dài đốt cháy xèo xèo, lách tách, mùi hạt bưởi khét khét, thơm thơm, sao mà da diết nhớ.

Chẳng mâm cao cỗ đầy, đồ cúng trông trăng mỗi nhà góp một chút. Người quả bưởi, người nải chuối, có người vài quả hồng. Không thể thiếu các loại ổi găng, ổi mỡ, ổi đào nhà bà Tư thơm nức. Những mắt na mở hé, na dai, na bở tròn trĩnh trên mâm. Bưởi hồng đào chua dịu, bưởi trắng tôm mọng nước ngọt lành nằm ké những quả thị thơm lừng hương trời, khí đất. Kẹo bột cô Kì làm năm nào cũng một góc mâm cùng với những túi kẹo chim đủ màu xanh đỏ. Bánh đa quế bà Mão xếp chồng bên mâm để tan hội lũ trẻ con lại tranh nhau chọn hình cá, hình hoa, cũng chỉ để bẻ vụn ăn mà sao cứ chí chóe. Chú Toàn dù đi làm ở đâu trung thu cũng cố mua cho xóm cặp bánh nướng bánh dẻo, đứa trẻ nào cũng mong đến lúc phá cỗ, phần mỗi đứa là một miếng bánh nhỏ xíu. Cái thứ bánh cả năm chúng mong đợi, chỉ đêm rằm mới có, chưa kịp cảm nhận vị bánh có những gì, chỉ thấy ngọt đã hết vèo trong miệng, vậy mà nhớ mãi để mong chờ rằm năm sau.

Không đội múa lân với quần áo sắc màu hay đai mũ chỉnh tề nghiêm ngắn, mấy anh lớn trong xóm dùng chiếc gàu dây được dán giấy màu, kiếm mấy cái khăn của mẹ buộc vào thành đầu sư tử. Tiếng trống ếch cạch cạch tùng, tiếng nồi xoong choang choảng, phèng phèng cũng thành điệu múa lân rộn rã, cả đoàn vui tưng bừng qua từng con ngõ nhỏ ngập ánh trăng thu. Những chiếc đèn lồng tự chế bằng vỏ hộp xà phòng bập bùng ánh nến, lấp lánh nụ cười con trẻ sau ánh lửa nhảy nhót theo mỗi bước chân. Toàn những đồ chơi tự làm mà sao nâng niu, trân quý đến thế.

Không loa, không nhạc nhưng những bài hát về trung thu, những điệu đồng dao về đêm rằm, về chú Cuội, chị Hằng cứ tiếp nối không ngừng để đến lúc mệt lử thì bao nhiêu kẹo bánh, hoa quả cũng hết cùng những tiếng cười không ngớt, vang tận cánh đồng, nơi mà ông trăng to đùng như cũng muốn xà xuống chơi chung. Vui lắm và nhớ lắm.

“Tết Trung thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm”
Rước đèn tháng 8 – Đức Quỳnh

“Trung thu của mẹ xưa chỉ thế thôi nhưng nó là những kỉ niệm ngọt ngào theo mẹ suốt những năm tháng ấu thơ tại xóm nghèo ấy”

“Vậy lớn hơn thì sao?”

Nhớ cái thời sinh viên, lần đầu được theo các bạn ra phố Hàng Mã ngập tràn đồ chơi sắc màu. Những mặt nạ đủ hình dáng, những chiếc trống, chiếc kèn rồi đồ hàng mã ngập lối đi. Người đông như nêm, đi một lần là nhớ. Trung thu là những đêm đi phát quà cho các bé sinh hoạt hè, mỗi bé một phần, nhận quà vui và háo hức. Là những đêm tổ chức văn nghệ cho thiếu nhi, bé nào xung phong lên hát sẽ có quà. Trung thu là những phần thưởng mang tới tận nhà cho các bé có hoàn cảnh khó khăn để đêm về đôi chân mỏi rã rời nhưng lòng vui phơi phới. Trung thu là những năm được hóa thân vào chị Hằng, kể những câu chuyện thú vị cho trẻ thơ. Sự tích chú Cuội – một chàng trai mồ côi nhưng thông minh và tốt bụng, sự tích chị Hằng – một câu chuyện tình đẹp của Hằng Nga và Hậu Nghệ. Vì tình yêu sâu đậm với Hậu Nghệ mà Hằng Nga đã neo lại cung trăng, nơi gần trái đất nhất để ngày ngày được nhìn xuống dương thế trong nỗi nhớ thương chồng. Thương nhớ Hằng Nga, Hậu Nghệ ngước lên trời gọi vợ, thấy khuôn mặt nàng đẹp trong ánh trăng tròn vạnh đêm rằm. Chàng cùng người dân lập hương án tế Hằng Nga, và phong tục sắp lễ cúng trăng đêm rằm có từ đó. Và còn rất nhiều, rất nhiều những kỉ niệm đẹp mà mỗi lần nhắc tới mẹ lại thấy rưng rưng.

“Ngoài phố nhộn nhịp lắm mẹ, mẹ cùng con ra đó nhé?”

Nắm tay con cùng đi, những rộn rã đêm rằm khi xưa cứ ùa về trong kí ức.

Hà Nội, 19/09/2020
Lê Hà

*** Mời các bạn xem thêm bài viết Trung Thu Ngọt Ngào Hoài Niệm của tác giả Lê Huyền viết về đêm trăng trung thu đã được đăng tải trên A4Y.ORG – “Tất Cả Dành Cho Bạn”.

Theo dõi
Thông báo của
guest
14 Comments
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Tien Sapiend
Tien Sapiend

? Yêu lắm chị à, ra trung thu ở phố là như thế chị nhỉ? ❤ chị iu

Dương Thắng
Dương Thắng

Trung thu nay đã khác xưa
Đã không còn nữa cùi dừa bánh đa
Trăng hiền lấp ló đằng xa
Nhìn lân sư múa mắt nhòa gió mây

Hằng Le
Hằng Le

Chị Hang năm 2000

Nguyễn Thanh Thủy
Nguyễn Thanh Thủy

Tản hay c ơi

Nghi Hoang Trinh
Nghi Hoang Trinh

Lại là hoài niệm trung thu hử

Vu Thanh Phong
Vu Thanh Phong

À bài này viết về Cuội, tổ nghề nói phét đây mà!

Nga Nga Cao
Nga Nga Cao

Kinh chưa! Sắp có cao lâu choén rồi

Hồng Quân Phạm
Hồng Quân Phạm

Thả tym

Anh Sơn
Anh Sơn

Bài Tản Văn hay…
Dưng mải viết, quên “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng”… Hay còn gọi là Thể lệ cuộc thi.

Phố Mưa Bay
Phố Mưa Bay

Vote cho chị!

Lan Vương
Lan Vương

Chị viết hay quá

Nguyễn Thanh Thủy
Nguyễn Thanh Thủy

Hà Lê chị thêm từ chưa

Huynh Long
Huynh Long

Xưa thiếu đèn điện nên trăng cũng sáng hơn nhỉ.

Hường Lê
Hường Lê

Hóng ăn ké nà?