Năm Đầu Tiên Tôi Sống Ở Sài Gòn (Hoài Niệm Thời SV)

Năm Đầu Tiên Tôi Sống Ở Sài Gòn (Hoài Niệm Thời SV)

NĂM ĐẦU TIÊN TÔI SỐNG Ở SÀI GÒN!
#vietvephuongnam

Tôi vào Sài Gòn sống đã quá mười lăm năm. Người ta thường nói Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo. Với tôi, Sài Gòn không chỉ là nơi để sinh sống và lập nghiệp, Sài Gòn còn là người mẹ bao dung luôn dang rộng vòng tay yêu thương để cưu mang những đứa con tứ xứ đã về tề tựu nơi đây.

Năm đầu tiên vào Sài Gòn, tôi sống ở Bình Triệu, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, trong dãy trọ tạm dành cho sinh viên thuê cạnh một con lạch nhỏ. Câu đầu tiên tôi nghe anh khóa trên ở phòng trọ sát bên dặn dò khi mới nhận phòng là: “Cẩn thận nha em, trong này hở ra đến cái nắp bồn cầu nó cũng lấy.” Cảm giác của tôi lúc đó vô cùng khó chịu, bởi thành phố quê tôi vốn khá êm đềm và tôi hiếm khi nghe về những vụ trộm, cướp ngoài việc lâu lâu nhà nào đó trồng ổi, xoài, mít…bị thó mất vài quả sát hàng rào. Tôi nghi ngờ, tất nhiên, đâu đến nỗi nghiêm trọng thế nhỉ? Cho đến khi tôi mất đôi dép xốp đầu tiên vì quên bỏ vào phòng khi đi học. Dép mới tinh, chắc nụi, tôi phải trả giá cả buổi chiều ở chợ Bà Chiểu mới mua được. “Cái tôi lần đầu trả giá khi đi chợ” ấy vẫn còn chưa dứt khỏi nỗi niềm đắn đo rằng mình có “bị chém” giá cao gấp mấy lần không, mua có hời chưa… thì dép đã mất tích rồi. Cảm giác tiếc rẻ đó chỉ “bay màu” khi bạn Nguyệt phòng bên mất luôn chiếc xe đạp. Tôi sốc quá vì giá trị chiếc xe đạp Martin ngày ấy khá cao, nó khiến tôi tạm quên đi đôi dép tội nghiệp của mình mà nhanh chóng đắm chìm vào sự tiếc rẻ chiếc xe cùng bạn, ôi hai con người khốn khổ làm sao.

Sau hai lần mất đồ thì chị em cô chủ quyết định làm cổng rào chung cho dãy trọ và dặn dò các phòng luôn khóa lại mỗi khi ra vô cho an toàn. Tôi đánh mất chìa khóa cổng những ba lần, đôi lần quên mang theo chìa khóa phải leo tường vào khu trọ. Trong một lần đang quen thói leo tường thì “thật là trùng hợp” lại gặp phải mấy chú dân phòng đi tuần tưởng nhầm là kẻ trộm mà “dí” bắt như phim. Tối đó xóm trọ vui như tết, bạn bè được phen lăn lộn cười bò trong khi tôi rầu thúi ruột vì lớp thì bị hai cô chủ trọ la cho một tăng, lớp thì bị mấy chú dân phòng rầy cho một trận nhớ đời. Bởi thế, tôi tương đối “mệt mỏi” với hai cô chủ hơn các bạn trọ khác. Hai người Sài Gòn đầu tiên mà tôi ấn tượng khi chân ướt chân ráo xa quê chính là họ.

Thời đó, lũ sinh viên tỉnh lẻ nghèo khó chúng tôi làm gì có điện thoại “củ chuối” mà sử dụng, phải liên lạc với gia đình qua số điện thoại bàn của nhà chủ. Thanh niên xa quê lần đầu lắm nỗi gian truân, nhưng buồn nhất là phải đối diện với nỗi nhớ nhà quay quắt. Đường xá khó khăn, phương tiện lại ít ỏi và đắt đỏ, thành ra tôi chỉ về thăm quê mỗi năm hai lần vào dịp hè và dịp tết. Hàng tuần, cứ vào trưa thứ năm tôi lại nôn nao trông chờ cú điện thoại mẹ gọi lên hỏi thăm định kì. Mỗi lần nghe mất ba nghìn đồng phí chủ đi gọi hộ, muốn gọi về lại cho mẹ thì hai nghìn một phút. Mỗi suất cơm bình dân khi đó giá ba nghìn đồng, được ăn cơm thêm thỏa thích. Nhà tôi nghèo, tiền sinh hoạt phí lại eo hẹp, nên những phút giây được nghe tiếng mẹ, được nói chuyện với em trai, em gái này quí hơn cả vàng. Tôi trân trọng đến từng giây, tai căng ra ngóng từng lời mẹ nói, không dám bỏ qua từng tiếng í ới hỏi thăm của hai đứa em đang tranh cướp lời nhau để được nói chuyện với chị nhiều thêm một chút. Tôi nhớ nhà đến vô cùng. Trong thâm tâm, tôi tự hứa là sẽ cố gắng học tập, tiêu dùng tiết kiệm hết mức có thể để đỡ đần cho mẹ phần nào, rồi phụ mẹ lo cho các em nữa… Thế mà, đời sinh viên nghèo lại lắm lúc sử dụng “thâm” tiền túi. Cũng dễ hiểu thôi, lúc học phổ thông thì mẹ cho tiền từng ngày, lên đại học lần đầu được tự chi tiêu số tiền lớn, thuở ấy mấy ai nghĩ đến việc tìm hiểu kĩ năng quản lí tài chính cá nhân nên vì choáng ngợp mà “vung tay quá trán” là điều khó tránh khỏi. Đầu tháng, bạn bè còn rộng rãi mời nhau ly chè, cái bánh, cuối tháng thì cứ “mặt dày” đi thăm hỏi bạn nhằm ngay bữa trưa hoặc bữa tối để mong được bạn giữ lại mời cơm. Bạn mà cũng rỗng túi như mình thì cả đám cùng nhau chế một gói mì thêm hai lít nước làm canh, ăn kèm với cơm trắng thêm tí nước mắm… nếu còn.

Hôm nào ít lên lớp thì cả phòng còn xúm nhau nấu bữa cơm gọi là đạm bạc để quay quần, hôm nào học hành quá nhiều thì cùng nhau ăn cơm bụi, canh “đại dương” lót lòng mà chiến đấu. Canh đại dương là món canh hầu như toàn nước với bột nêm cùng dăm lát bầu, bí, hoặc rau củ gì đó thái mỏng như tờ giấy và đôi ba mẩu thịt băm nhỏ tí rí cho nó gọi là có chút mùi thịt làm màu. Tối nào còn rủng rỉnh hầu bao, chúng tôi hay rủ nhau ăn khuya ở xe hủ tíu gõ nằm ngay giữa hẻm vào nhà thờ Bình Triệu. Chỉ hai nghìn đồng, tôi chén no nê với nào là thịt nạc cùng bò viên thái mỏng, hẹ lá, hẹ bông kèm tóp mỡ hành phi thơm nồng nức mũi… Ôi nghĩ lại còn thèm, “món ăn xa xỉ” của tôi ngày đó đấy nhé. Sau này ra trường, rồi đi làm có thu nhập, có thể ăn bất cứ món gì tôi muốn, ở bất cứ nơi nào tôi thích, tôi vẫn chưa tìm thấy cái vị ngon say đắm mà mình cảm nhận ngày ấy lần nữa. Chắc hẳn trong lúc khó khăn, mọi ánh sao băng đều rực rỡ đến phi thường.

Khi không thể phân bố đều chi phí sinh hoạt dẫn đến sự thiếu hụt cuối tháng, tôi bắt đầu mua chịu. Tôi ăn chịu cơm bụi ở quán quen, thuê truyện chịu, nợ phí gọi điện thoại, khất lần lữa tiền nhà đến một, hai tuần sau đó. Trong thời gian khất nợ này, mọi bi hài kịch của đời sống sinh viên mới thật sự bắt đầu. Để tránh phải đi qua những quán ăn “chủ nợ”, tôi khám phá ra mọi đường ngang nẻo tắt, mọi hốc hẻm léo lắt của khu tôi trọ. Trình độ “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” và chui lỗ chó trốn cô chủ nhà của tôi được nâng lên một tầm cao mới. Vào phòng như không vào, ở nhà mà cửa đóng then cài vẫn y như lúc tôi đi học, tai tôi thính đến nỗi phân biệt được tiếng dép của hai cô chủ trọ, của con gái cô lớn, nhóc con trai loắt choắt mới tám tuổi của cô em. Tôi phát hiện ra bưu điện Bình Triệu nằm đối diện trường mình, vay tiền bạn để gọi về nhà và nói dối với mẹ rằng điện thoại nhà cô chủ tạm thời bị cắt. Thế là quá trình truy đuổi, tránh né giữa tôi và chị em cô ấy bắt đầu, cứ như xem một tập phim Tom và Jerry đuổi nhau đến mệt.

Nói đến hai chị em cô chủ, cô lớn thì góa chồng, cô nhỏ thì li hôn. Mẹ con cô lớn luôn kiên định ôm mộng lấy chồng Việt kiều và đầu tư một số tiền khổng lồ vào làm đẹp. Lần đầu tiên tôi gặp cô lớn, cô ấy đang ngồi tận hưởng thói quen làm móng dạo mỗi tuần. Cô xăm lông mày và xăm môi khá đậm, tóc uốn xoăn tít như sợ mì Hảo Hảo tôi hay ăn. Con gái cô khá xinh, móng tay lúc nào cũng đỏ rực, tóc nhuộm vàng óng và vận bộ đồ lụa mỏng bó sát đổi màu mỗi ngày. Cô lớn có biệt tài tính toán thần sầu. Nhỏ Nguyệt phòng bên đã từng đạt giải học sinh giỏi toán cấp tỉnh mà còn tính thua cô. Đố đứa nào tính hụt của cô số điện, số nước hay chỉ hai trăm đồng tiền nhà. Cô biết tất, biết tuốt, biết tần tật mọi chuyện đầu làng cuối xóm luôn. Anh Trung hôm kia chia tay bạn gái, anh Vũ có chị người yêu mới rất xinh, chị Như mới nhặt được mười nghìn, chị Tâm mới mua túi xách. Thật thần kì! Cô biết tất. Thành ra, đâu đứa sinh viên nào trong xóm thích cô, cũng không đứa nào dám cãi lại cô. Không phải sợ vì cô là chủ nhà, mà cô đã chửi chắc cả làng cùng quê độ hộ đối tượng bị la. Thành phần cá biệt như tôi “dín chưởng” cũng kha khá lần, toàn những lần họa vô đơn chí.

Cô nhỏ còn đặc biệt keo kiệt hơn cô lớn. Cô nhỏ bán tạp hóa ngay phòng đầu tiên dẫn vào dãy trọ. Cô bán đắc hơn chỗ khác mà đố đứa nào dám không mua. Có chị mới dọn vào “nhỡ tay” xách nghênh ngang chai dầu ăn mua từ chợ về, ngay hôm sau xe đạp chị ấy bị dẫn tít vào trong, lỗ tai chị ấy lại được “đặc biệt khuyến mãi” thêm một ngày nghe trọn vẹn combo ca dao tục ngữ đau đáu cả lòng do cô nhỏ hoan hỉ trình bày dưới hình thức chỉ cây dâu mắng cây hòe đầy phấn khởi. Từ đó, chúng tôi ngầm hiểu với nhau rằng chúng tôi và chị em cô như mặt trăng với mặt trời, bên trái và bên phải, nước sông không nên phạm nước giếng… chỉ ngoại trừ ngày đóng tiền nhà ác mộng, các phòng phân công nhau đến gặp các cô và trải nghiệm sức chịu đựng của lỗ tai đã được nâng lên một tầm cao mới.

Lẽ dĩ nhiên chúng tôi chẳng ưa gì hai cô, riêng thành phần cá biệt như tôi lại càng kinh hãi. Thế mà nhờ hai cô, tôi học được bài học đầu đời về cách nhìn nhận và đánh giá người khác. Số là sau một tuần trốn nợ vất vưởng, tôi trợt té bong gân khi leo tường. Tối hôm ấy, tôi sốt cao. Có lẽ vì vết thương, có lẽ vì lo lắng, có lẽ vì cảm giác mình có lỗi… Nhiều lí do quá tôi liệt kê chả hết nổi, nhưng tôi sốt cao đến mê sảng. Cả ba đứa trong phòng không còn một xu, hai phòng bên cạnh kết thân thì đi vắng cả, các phòng còn lại chẳng mấy ưa nhau. Giữa đêm, đường vắng, lắm lúc xuất hiện biến thái, gần bên là trung tâm cai nghiện – nơi mà đôi khi có mấy anh trại viên mạnh mẽ dùng tay không vạch hàng rào kẽm gai, vượt tường lao ra đường “xin đểu” sinh viên chút tiền còm mãi lộ. Thế nên chả mấy ai dám ra khỏi phòng buổi khuya. Cùng đường, chị Như đành gõ cửa phòng gọi cô chủ. Cô lớn thử nhiệt độ xong đâm hoảng, qua ngay nhà cô nhỏ lấy thuốc và dặn bạn cùng phòng liên tục đắp khăn chần qua nước lạnh lên trán cho tôi hạ sốt. Cô lớn thức cả đêm ấy chăm tôi. Cô bảo nếu tôi uống thuốc xong vẫn không giảm sốt thì phải đem đi viện ngay. May quá, tôi hạ sốt trong đêm. Sáng ấy, sau mấy tháng xa nhà tôi mới lại được ăn cháo. Cháo thịt bằm, có nhiều tiêu đen và hành lá. Tự nhiên lúc đó thấy mình ăn vạ giống Chí phèo kinh khủng. Tôi húp cháo nóng xì xụp mà nước mắt, nước mũi ròng ròng. Nhớ mẹ làm sao, nhớ nhà làm sao, muốn được làm nũng làm sao. Đang ăn ngon lành đột nhiên tôi òa khóc tức tưởi. Trong cơn xúc động, tôi quên mất cô ấy đã ôm lấy tôi từ lúc nào, rất dịu dàng, khác hẳn vẻ hổ báo chanh chua thường ngày. Hôm đó tôi uống thuốc xong rồi ngủ li bì, đến bữa lại có cháu thịt nóng để ăn, bạn mua cao dán đắp lên chỗ bong gân làm vết thương đỡ đau biết bao nhiêu. Suốt năm đầu của thời sinh viên, đó là những ngày hạnh phúc nhất của tôi.

Sau khi khỏe lại, tôi bị các cô la cho một trận ra trò. Không dám nói cho mẹ biết, sợ mẹ lo, lại cảm thấy có lỗi với những người đã giúp đỡ mình nhiều, tôi lên kế hoạch đi làm thêm. May mắn là sau học kì đầu tiên tôi nhận được học bổng, đủ nhiều để giải quyết hết tiền nhà mà tôi còn nợ các cô và thanh toán cho các khoản nợ khác. Từ đó tôi đi làm thêm, cố gắng chi tiêu hợp lí và tự xoay sở cho cuộc sống sinh viên của mình. Đôi lúc vẫn còn thâm hụt, nhưng cách đối diện với áp lực thì tốt lên đáng kể, và cách nhận thức về yêu, ghét cũng chậm rãi hơn rất nhiều.

Tôi vẫn lâu lâu leo tường, lâu lâu bị mắng vì dẫn thằng nhỏ tám tuổi đi vặt mận nhà hàng xóm, rồi hai chị em cùng nhau bị chó rượt chạy té khói. Mà, cái đám bốn chân này nó đã sủa là sẽ sủa hội đồng, ỏm tỏi khắp nơi. Tôi cũng không biết mình có nghiện cảm giác bị các cô mắng không, nhưng lâu lâu yên ắng quá lại thấy buồn buồn, thiếu thiếu. Ngộ ghê luôn!

Sau đó tôi chuyển nhà, lâu lâu vẫn về thăm và tám chuyện với các cô. Con gái cô lớn đã lấy chồng Việt kiều, đi định cư như ý nguyện, con trai cô nhỏ giờ đã là lập trình viên, cô nhỏ lại kết hôn với một ông chú râu quai nón hay cười, còn cô lớn vẫn ở vậy trồng hoa, nuôi thêm một con mèo béo thật to. Họ không cho thuê trọ nữa, trên nền dãy trọ cũ giờ đã là một căn nhà bốn tầng khang trang.

Có đôi khi, những người trông thế này lại biểu hiện thế khác khi hữu sự, hoặc những người tưởng sắc son lại bỏ rơi bạn khi cần, hoặc những người bạn ghét sẽ trao bạn món quà bất ngờ đến từ lòng tốt. Chả ai đoán được tương lai hay đong đếm nổi lòng người. Còn tôi, tôi đã trải qua những ngày tuổi trẻ sống động, tự do theo một cách nào đó và đã nhận lãnh được những món quà đáng giá từ cuộc đời này. Mong rằng chặng đường phía trước sẽ được bình an và hạnh phúc.

13/09/20.
Linh Tran
Ảnh: Thiên Phạm

Bạn vừa xem qua bài viết chia sẻ về những kỷ niệm thời sinh viên năm nhất gắn liền với Sài Gòn của tác giả Linh Tran trên trang A4Y.ORG – “Tất Cả Dành Cho Bạn”.

Bạn có thể xem thêm tuyển tập thơ viết về Sài Gòn trên trang ThiHuu.Com để cảm nhận rõ hơn về Sài Gòn qua góc nhìn từ nhiều tác giả bạn nhé!.

Theo dõi
Thông báo của
guest
3 Comments
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Duy Dương
Duy Dương

Bài này sáng nay em đang đọc thì phải đi có việc . Về tìm lại đọc tiếp thì ko thấy . Giờ mở máy ra lại thấy . Cảm ơn tác giả nhiều nhiều . Sài gòn trước lạ sau quen rồi mến sg lúc nào ko hay.

Kim Nguyen
Kim Nguyen

Tuyệt hay .
Bạn làm tôi nhớ thời đi học . Học bổng đủ để ăn no , mua quần áo . Thi thoảng tham dự thi học sinh giỏi thì được thưởng kha khá , tiếc là mỗi năm chỉ có 1 lần , và chỉ được thi 1 môn.
Cuối tuần theo mấy thằng Nga , Bun , Đức …đi làm thuê . Bọn nó to khỏe giành hết việc nặng , tôi chỉ ghi sổ và tính tiền …
Ôi thời xưa thương nhớ … Thằng Sasa từ Moldavi năm nào cũng qua dự hội lớp .
Nhớ nhất là con Sabine người Đức quê ở bên dòng Elber , xinh và cao hơn tôi chừng 20 cm , thế mà nó thích tui nhất lớp …Hôm lễ tốt nghiệp Sabine chọn tôi làm bạn nhảy . Khổ nhất là lúc ép ngực mình vào ngực của nàng , đau đau mọi thứ.

Phạm Quang Tân
Phạm Quang Tân

Bài viết xúc động quá! Bạn đã làm tôi nhớ lại thời đi học ở Sài Gòn. Nhớ nhất là mùi hủ tiếu của xe hủ tiếu gõ ở ngã tư Lê Thánh Tôn – Đồng Khởi quận 1. Cám ơn bạn rất nhiều!