Rượu – Từ trước khi có truyện kiếm hiệp Kim Dung đã là một thức uống dường như quen thuộc với mọi đấng nam nhi đại trượng phu. Nói thật là đọc truyện và coi phim chưởng, tôi chỉ thấy các nhân vật nốc rượu ừng ực, chứ không thấy ai uống nước cả.
Ngày nay công nghệ phát triển, người ta không chỉ uống rượu, người ta còn uống bia – bia lon, bia chai, bia hơi, bia ôm… đủ các thế loại. Mà không chỉ nam nhi đại trượng phu – các Nữ nhi thường tình đôi khi cũng chén tạc chén thù bên bàn nhậu.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không bàn đến chuyện các nhân vật kiếm hiệp có uống đủ 1 lít rưỡi nước mỗi ngày không, tôi cũng không bàn là ngày nay người ta uống rượu hay uống bia, hay các nữ nhi uống cái gì khi đi nhậu. Không, không bàn cái đó!
Ngày xưa, khi các vị trong giang hồ cắt máu ăn thề với nhau, nguyện cùng sống, cùng chết. Kết tình huynh đệ rồi đi đến một bữa nhậu linh đình với vài ba chum rượu, coi nhau như 1 thể, vỗ vai, bẹo má, chia bùi sẻ ngọt. Coi phim, tôi thấy người trong phim vui, vui vì từ nay đã có một người hảo huynh đệ nguyện cùng mình đi đến chân trời góc bể, nhìn sang bên cạnh, tôi thấy người ngồi coi phim cũng vui, vui vì cái “tình”, cái “nghĩa” trong phim được đạo diễn gột tả hay quá, xuất sắc quá, cảm động quá.
Tôi gọi đó là “Rượu nghĩa tình”.
Tôi có nhiều nhóm bạn thân, nhưng có một nhóm thân lắm, chúng tôi cùng làm, cùng chơi, cùng .. nhậu. Gặp nhau là như thể không còn ai xung quanh nữa hết, chúng tôi cùng chia sẻ những khó khăn trong công việc, cuộc sống và cả tình cảm. Chúng tôi nhậu cũng đơn giản, có đôi khi chỉ kéo bàn ra ngồi lề đường, nhâm nhi vài ba con ốc.. Quan trọng là chúng tôi cảm thấy vui khi ngồi bên nhau, và sau mỗi lần gặp mặt như vậy, chúng tôi lại cảm thấy ấm lòng hơn.
Tôi gọi đó là “Rượu gia đình”.
Hàng năm, cứ mùng 7 tết Nguyên đán, người dân tộc Mường trong làng tôi đều làm cái lễ, gọi là lễ Hạ Nêu. Báo hiệu đã hết tết. Vào ngày Hạ Nêu, dân trong làng đều tập trung tại đình làng, ăn uống, nhảy múa, chơi bời. Nam thanh niên uống rượu, Nữ thanh niên cũng chẳng vừa, uống nhiều, rồi chọc ghẹo nhau, rồi bla bla… Tôi không tham gia cái lễ đó, vì nhà tôi không phải người Mường, nhưng tôi nhìn thấy, và tôi biết.
Tôi gọi rượu đó là “Rượu bầy hầy”.
Đợt vừa rồi, tôi “được” mời vô ngồi nhậu với một vài nhân vật cũng bự bự, cũng có tiếng, cũng “sếp” hẳn hoi. Vô phòng máy lạnh, ngồi bàn cao, ghế nệm, trên bàn thì rượu thịt ê hề, các sếp ngồi nhậu với nhau cứ như Mỹ đang họp bàn chiến sự Syria. Tính tôi vốn xuề xòa, hồi giờ có nhậu cũng chỉ toàn ngồi lề đường, sang lắm thì được cái … mái che. Vô phòng, tôi ngợp bởi cái sự “chỉnh chu” quá sức của bàn nhậu, ngợp bởi cái sự “nghiêm túc” quá mức của những nhân vật đang ngồi đó. Vốn quen thói … nhậu lề đường, tôi thậm chí còn chẳng biết là khi mời mọi người nâng ly tôi phải kính cẩn mời cái vị chức cao nhất trước, rồi kính cẩn mời các vị còn lại, cúi đầu, nâng 2 tay, dạ dạ vâng vâng…
Tôi gọi đó là “Rượu đầu gối”.
Còn vì sao gọi như vậy, thì quý vị hãy kiên nhẫn nghe tôi kể tiếp.
Khi trở về “đơn vị” tôi nghe phong phanh có người chê tôi “không biết cách mời rượu trong bàn nhậu”. Rằng “được” nhậu với các sếp là một vinh dự cho tôi và cho “đơn vị”, vậy mà tôi lạnh nhạt, dửng dưng. Tôi không phản bác, cũng chẳng phiền lòng làm chi.
Thứ nhất, tôi chỉ tìm đến bàn nhậu khi tôi muốn mua cho mình sự thoải mái. Chẳng điên và rảnh đến mức nốc cái thứ độc hại đó vào cho lục phũ ngũ tạng bét nhè hết đi mà không bù lại sự thoải mái và yên ả cho tinh thần.
Thứ hai, “sếp” hay không sếp, nếu ngồi trong bàn nhậu mà vẫn còn tỏ vẻ mình là sếp, thì xin thưa, tôi thà chạy ra đường, mua vài lon bia rồi ngồi nhậu với một người vô gia cư còn hơn, trên bàn nhậu là nơi tất cả tình cảm, hỷ nộ ái ố của con người được bộc phát, chứ không phải là nơi các vị thể hiện cái sự đạo mạo của mình, nếu muốn đạo mạo, thì các vị cứ đạo mạo trong văn phòng, trên chiếc ghế giám đốc phủ da láng cóng của quý vị ý.
Thứ ba, “đơn vị” trách tôi, không biết luồn cúi, không biết “phục vụ” các sếp thế nào cho phải phép, vì “đơn vị” của tôi rất “vinh hạnh” khi được nhậu cùng với các sếp như vậy. Xin thưa, đơn vị thấy vinh hạnh thì đơn vị cứ việc luồn cúi, cứ việc dạ vâng. Còn tôi, tôi chưa bao giờ coi đó là vinh hạnh. Tôi vốn có thể tự kiếm sống bằng đôi chân của mình, tôi vốn có thể tự tạo dựng mọi mối quan hệ xung quanh tôi mà không cần bất kỳ một cái ô dù nào.
Thế nên, trong khi tôi đi bằng chân thì quý vị cứ việc đi bằng đầu gối.
….
Vài câu chuyện phiếm lượm lặt trong đời sống, không đủ thiếu gì cả, chỉ là cảm xúc bộc phát rồi viết ra thôi.