Những bài thơ Tết Đoan Ngọ hay, thơ viết về ngày Mùng 5 tháng 5 âm lịch

Những bài thơ Tết Đoan Ngọ hay, thơ viết về ngày Mùng 5 tháng 5 âm lịch

Tổng hợp những bài thơ viết về ngày Tết Đoan Ngọ (hay còn gọi là Tết Giết Sâu Bọ vào ngày Mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm) với những sáng tác mới nhất.

MỪNG TẾT ĐOAN NGỌ

Thơ: Phúc Cô Đơn

Ai về đoan ngọ Tết không ?
Cho tôi gởi đến tấm lòng thủy chung
Lớn lên trãi khắp bốn vùng
Lung tung khắp chốn nhớ mùng năm quê

Đi đâu ai cũng muốn về
Quê cha đất tổ bộn bề vui thay
Hằng năm chỉ có một ngày
Bà con lối xóm đẹp thay ân tình

Nhớ ngày Đoan Ngọ quê mình
Anh em bạn hữu chung tình hò reo
Giàu sang cũng sống như nghèo
Chung tay góp sức lệ theo quê mà

Bây giờ đã cách phương xa
Nhưng mà kỉ niệm mặn mòi tri âm
Nhớ thương nay chỉ lặng thầm
Cầu mong quê mẹ vui trong tết này

Xa quê biết nói gì đây
Vài lời kính gửi lòng đầy luyến thương
Con tuy xa cách đoạn đường
Mà lòng con ở Tết Đoan Ngọ nhà.

 

QUÀ TẾT ĐOAN NGỌ

Thơ: Thoa Phạm

Sắp ngày đón tết mùng năm
Tết này đoan ngọ mơ thầm tuổi thơ
Ngày này buổi sáng tinh mơ
Mẹ ta gọi dậy để chờ giết sâu

Mận đây chua lắm đủ màu
Ai mà muốn giết bọ sâu thì mời
Mọi người xin hãy về chơi
Nếm xem mận có dễ xơi không nào

Hôm nay em cũng mời chào
Cả nhà ủng hộ ngọt ngào lắm nha
Nếu mà các bác ở xa
Alô em sẽ mang qua em mời

Mận em mận thật tuyệt vời
Ăn rồi sẽ nhớ cả đời không quên.

Mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ
Mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ.

TẾT ĐOAN NGỌ GẶP DUYÊN
Thơ: Lê Hoàng

Tết Đoan Ngọ dòng người náo nức
Cảnh xóm làng rạo rực xôn xao
Người đi ra , kẻ đi vào
Chợ quê nhộn nhịp …vui sao lạ lùng.

Bước mông lung gặp nàng xuống chợ
Môi chím cười …anh ở nơi mô ?
Giọng thương trầm ấm thăm dò
Ngẩn người khi biết là O xóm mình

Đi xa xứ …nay hình dáng đổi
Nét dịu dàng ..đắm đuối mê say
Đôi mắt đẹp , lông mi dài
Thân mình thon thả làm ai thẹn thùng.

Ngập ngừng bước muốn chung tâm sự
Phải chăng lòng …vội đã trót thương
Bình minh tỏa nắng khắp đường
Lả lơi ngọt gió quyện hương ngọt ngào.

Mây hờ hững ..trời cao vời vợi
Gặp duyên lành …chấp chới mộng mơ
Hôm ni gặp lại tình cờ
Nàng có đâu ngờ …ta đã tương tư.

 

Chiết sâu bọ tết đoan ngọ !
Hôm nay là ngày 05/05 âm lịch, mình còn nhớ từ xưa đến nay khi Mẹ còn sống, cứ đến ngày này là bà đi chợ, mua hoa quả về cho các con giết sâu bọ, năm nào mà được mùa thì bán thêm thùng thóc…Mua thêm con vịt về cả nhà cùng ăn, cùng giết sâu bọ…Thế mà đã 15 năm mẹ đi xa. Con vẫn duy trì mua hoa quả về thắp hương xong cũng giết sâu bọ…Còn vịt thì không đứa nào ăn… Tối hôm qua mình có liên lạc với các cháu, bảo là hôm nay là ngày giết sâu bọ…Giải thích một hồi rồi các cháu cũng hiểu, ngập ngừng giây lát chúng nó phá lên cười rồi bảo bố lạc hậu…Có những loại sâu bọ và siêu vi khuẩn, kháng sinh cực mạnh cũng chả giết được nó…Huống chi là mấy quả mận…Chỉ tổ thêm đau bụng, thế đấy.

ĐÓN TẾT ĐOAN NGỌ !
Thơ: Nguyễn Nhật

Vừa đây thấm thoát nửa năm tàn
Tỉa tót, dâm cành mấy nụ lan
Sả lá, xương rồng treo trước cửa
Chè xôi, bánh ú đặt trên bàn
Hoa chờ khỏa cánh ngày Đoan Ngọ
Rượu đợi tràn ly buổi Thực Hàn
Thắc thỏm mong người về kịp Tết
Trong lòng cứ nghĩ chuyện lan man !

TẾT ĐOAN NGỌ
Thơ: Thám Hoa

Bày: xôi, oản, thịt hôm trùng ngũ
Tửu nếp thơm ngào lưng một hũ
Sửa soạn hương trầm, lễ tết xưa
Dâng mừng phẩm vật, theo lề cũ
Lòng mơ thuận gió cảnh an mùa
Ngả khấn xuôi chèo, sông tịnh lũ
Mỹ tục, thuần phong, tất phải gìn
Chân thành bái vọng!.Tâm tà giũ

 

Chùm thơ xướng họa về Ngày Tết Đoan Ngọ của các tác giả..
TẾT ĐOAN NGỌ
Thơ: Phạm Huy Hùng

Tảng sáng xôn xao rượu nếp mời
Xa gần quả trái sắc hương tươi
Trừ sâu mận đỏ già ưa nếm
Diệt bọ dưa vàng trẻ thích xơi
Nụ vối nhân trần hôm bán lợi
Kim ngân ích mẫu buổi mua hời
Nhân gian nếp cũ hồn muôn tuổi
Nét đẹp sơn hà Tổ quốc tôi

Mâm lễ cũng Tết Đoan Ngọ
Mâm lễ cũng Tết Đoan Ngọ.

TẾT ĐOAN NGỌ
Thơ: Ngân Kim
Mùng năm đoan ngọ tết quê tôi
Mấy dịp trong năm kể cũng hời
Mận chín bà mua cho trẻ thưởng
Dưa vàng bác tặng các già xơi
Vối trong cả xóm chia nhau nhỉ
Nếp cái nồng men ước được mời
Khắp các buôn làng cùng xóm trại
Huy hoàng đất nước vạn mầu tươi !

VUI ĐOAN NGỌ
Thơ: Phạm Trọng Tân

Tưng bừng Đoan Ngọ, nụ cười tươi
Hồ hởi xóm thôn, cứ hỏi mời
Roi rói cành hoa, lòng phấn khởi
Ngọt ngào mâm quả, dạ thèm xơi
Xôn xao trẻ nhỏ áo quần mới
Dào dạt người già vui khắp nơi
Xào xạc muôn chim bay chấp chới
Thiết tha tình nghĩa, rộn làng tôi

bài thơ lục bát viết về ngày Tết Đoan Ngọ..
—– TẾT ĐOAN NGỌ —–
Thơ: Thu Phương

Tháng 5 mưa nắng thất thường
Sinh nhiều dịch bệnh tai ương cũng nhiều
Ngàn xưa nghĩ chuyện cúng siêu
Diệt sâu diệt bọ mong điều an vui

Ốm đau bệnh tật đẩy lùi
Cho nên mới có ngày vui cúng trời
Cúng tổ tiên khắp muôn nơi
Diệt trừ bệnh tật, trẻ cười ngây ngô

Nhớ ngày xưa ấy còn thơ
Mở mắt thức dậy đã chờ măm măm
Giết sâu giết bọ mùng 5
Ngày tết đoan ngọ khắc trong tim mình./.

Liệu ai còn nhớ…. Ôi tuổi thơ tôi!

TẾT ĐOAN NGỌ
Thơ: Hue Dam

Tết Đoan Ngọ mùng năm tháng năm
Nhà nhà cúng bái và viếng thăm
Bánh ú trái cây heo gà vịt
Mong được bình an phúc cả năm.

Truyền thuyết ngày xưa diệt sâu bọ
Loài côn trùng làm ta âu lo
Ngày nay nhớ công ơn cha mẹ
Con cháu nhang đèn báo hiếu ân.

TẾT ĐOAN NGỌ
Thơ: Phan Hạnh

Mỗi lần tới Tết mùng năm
Là ngày giỗ nội viếng thăm cuối tuần
Thắp hương tưởng nhớ người thân
Mẹ ơi siêu thoát an phần yên vui

Kiếp người lận đận đầy vơi
Những lời hứa hẹn đầu môi ngọt ngào
Giờ như nước chảy mưa rào
Trái tim trăn trở nghẹn ngào ai hay

Mong rằng số kiếp gặp may
Chắp tay khấn nguyện từ rày bớt đau
Yêu thương nguồn cội khắc sâu
Tết về vun đắp dài lâu nghĩa tình.

Mời bạn xem thêm bài viết tản mạn về ngày Mùng 5 Tháng 5 của tác giả Bình Tạ ở bên dưới:

TẾT ĐOAN NGỌ CỦA NGƯỜI VIỆT VÀ NGƯỜI TRUNG HOA

Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương được cử hành vào mùng 5 tháng 5 âm lịch, là tết truyền thống tồn tại từ rất lâu trong nền văn hóa của các nước Đông Á như Trung Hoa, Triều Tiên, Việt Nam…

Trong chữ Tết Đoan Ngọ thì Đoan có nghĩa là mở đầu còn Ngọ là buổi trưa, vì tết này diễn ra từ 11 giờ sáng đến 1 giờ trưa. Tuy tổ chức cùng ngày cùng giờ nhưng với mỗi nước Tết Đoan Ngọ mang một ý nghĩa khác nhau, với Việt Nam Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Giết Sâu Bọ vì vào ngày này người Việt cổ đại thường ra đồng ruộng để giết sâu bọ phá hại mùa màng và diệt cả sâu bọ trong cơ thể bằng cách ăn những món ăn mà tổ tiên chúng ta cho là có thể tiêu diệt sâu bọ trong đường ruột như bánh ú tro, rượu nếp v.v…

Riêng với người Trung Hoa thì Tết Đoan Ngọ là ngày giỗ để tưởng nhớ một vị trung thần tên là Khuất Nguyên, câu chuyện như sau:
Khuất Nguyên (340-278 tr CN) sống vào cuối thời Chiến Quốc, ông là hoàng tộc của nước Sở, làm quan đến chức Tả Đồ dưới thời của Sở Hoài Vương. Khuất Nguyên là người trung nghĩa, học rộng, giỏi văn chương và có tầm nhìn chính trị sâu xa, ông được vua Sở tin yêu trọng dụng nên bị nịnh thần ganh ghét gièm pha, cuối cùng vua Sở bỏ rơi ông.

Lúc này nhà Chu đã quá suy yếu, các nước đàn em (chư hầu) không coi thiên tử nhà Chu ra gì cả, họ thi nhau xưng hùng xưng bá, chém giết lẫn nhau để mưu đoạt thiên hạ. Trong số 7 nước chư hầu của nhà Chu thời đó là Tần, Tề, Sở, Triệu, Ngụy, Yên, Hàn thì Tần là nước mạnh nhất. Khi hay tin Khuất Nguyên bị thất sủng, vua Tần liền sai nhà thuyết khách lừng danh của thời ấy là Trương Nghi sang Sở dùng 3 tấc lưỡi để dụ dỗ Sở Hoài Vương cắt đứt liên minh quân sự vốn rất thân thiết với Tề, mục đích nhằm phá thế “Hợp tung” để dễ bề thôn tính cả Tề lẫn Sở.

Khuất Nguyên biết rõ kế ly gián của Tần nên dù đã bị thất sủng, ông vẫn hết lòng can ngăn vua Sở, tiếc thay Sở Hoài Vương lúc này chỉ biết nghe theo bọn nịnh thần vốn đã ăn của đút lót của Trương Nghi. Kết cuộc bi thảm là điều không thể tránh khỏi: nước Sở mất một phần lãnh thổ, Sở Hoài Vương bỏ thây trên đất Tần.

Đến cuối đời, Khuất Nguyên bị Sở Tương Vương (Người kế vị Sở Hoài Vương) đày ra Giang Nam. Ông khổ đau, trăn trở trước trước cảnh nước mất nhà tan đã cận kề mà không sao cứu được nên đâm ra thất chí, suốt ngày lang thang bên bờ sông Mịch La, ca hát như một người điên, miệng cứ lẩm bẩm thở than: “Thế nhân giai trọc ngã độc tinh, chúng nhân giai túy duy ngã độc tinh”*
Và rồi trưa ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch năm 278 trước Công Nguyên, ông đã ôm một phiến đá nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn. Người dân nước Sở thương tiếc cho một bậc trung thần nên hằng năm đã lấy ngày đó làm ngày giỗ cho ông, dần dần về sau người ta gọi ngày giỗ đó là Tết Đoan Ngọ vì được cử hành vào đúng buổi trưa.

Tạ Quang Bình – 16/6/2018.
Chú thích:
*Cả đời đục mình ta trong, cả đời say mình ta tỉnh.

Theo dõi
Thông báo của
guest
1 Comment
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Thanh Bình Phạm
Thanh Bình Phạm

KỈ NIỆM NGÀY MÙNG NĂM THÁNG NĂM

Cứ đến ngày mùng năm , tôi lại miên man nhớ về những ngày mùng năm ấy , quê tôi ở tận miền trung xa tít , hồi ấy , vào những ngày mùng năm mà người ta gọi là tết trái cây , hay tết đoan ngọ , hay nôm na hơn là ngày giết sâu bọ ….Mẹ tôi thường hay ra chợ mua những bó là đã phơi khô về để dành khi đau ốm , những bó lá ấy có thể là rễ tranh , ngải cứu , hà thủ ô và vài các loại lá khác thường có công dụng như thuốc nam , ngày tết đoan ngọ gắn liền với truyền thuyết về Khuất nguyên , vốn là một thần y , nên người ta tâm niệm hái những lá cây trong ngày ấy rất hiệu ngiệm ….Nhưng , những bó thuốc lá ấy , có mấy khi mà dùng đến đâu , chỉ là một thói quen lo xa cho các con trong ngày mùng năm với ước mong con cái mình bình yên , mạnh khỏe cả năm mà thôi …
Còn bây giờ , chắc chẳng còn ai mua những bó thuốc lá ấy nữa , nhưng với tôi , đến hẹn lại lên , vào ngày này , tôi lại nhớ đến người Mẹ của tôi , bằng tất cả sự thương yêu hết lòng cho các con , mặc dù , chẳng bao giờ dùng đến nhưng Mẹ tôi vẫn mua như một lời ước nguyện bằng an cho con cháu vậy ..
Thanh bình