A, trăng lên rồi! Những tiếng reo hò trong trẻo vang lên đâu đó.
Ừ nhỉ, trăng lên thật rồi. Cái bóng dáng tròn vành vạnh của mặt trăng trông giống như cái đĩa bạc khổng lồ treo lơ lửng trên nền trời xanh thẳm. Trăng mới nhô lên lấp ló treo trên đỉnh ngọn tre như chiếc “vòng còn” nằm vắt vẻo trên cây nêu ngày tết. Ánh trăng lung linh huyền ảo. Ánh trăng luếnh loáng phủ lớp ánh sáng nhàn nhạt lên khắp núi rừng, phủ lên khắp các bản làng đang im lìm say giấc.
Ồ, mà sao lạ nhỉ, trăng đẹp như thế này mà không ai cục cựa dậy ngắm trăng. Lạ quá. Trăng của đêm rằm trung thu cơ mà. Có phải mọi người nghĩ trăng hôm nay vẫn như những ánh trăng rằm mọi khi, vẫn bàng bạc lơ lửng treo trên bầu trời báo hiệu một ngày rằm nữa đã đến. Không, trăng hôm nay được diện bộ áo mới, trăng hôm nay vén mây ngó xuống trần gian đang xua đi những làn sương mù lạnh lẽo mà thường thì giờ này đã rủ nhau tràn xuống khắp các đỉnh núi, sườn đồi như những tấm voan trắng mỏng tang của nàng tiên nữ rong chơi bỏ quên khi bay về trời. Trăng xua đi những cơn mưa rừng rả rích làm cho đường lên Huổi Chan như dễ đi hơn. Trăng xua đi những sự thất thường của thời tiết lúc nắng, khi mưa để các chú bộ đội mang đồ lên giữa lưng chừng trời trên những chiếc xe máy lốp bọc xích không bị trượt trơn, không bị vấy bẩn.
Gió thổi nhè nhẹ lướt qua những tán rừng như đang thì thầm trò chuyện. Gió luồn qua từng kẽ lá hiu hiu thổi mát, hòa thành một bản nhạc du dương, thích thú làm sao. Trăng theo gió, gió theo trăng lướt trên một đỉnh núi, bỗng đâu xuất hiện trước mắt là ngôi trường nội trú bé xíu xinh xinh khuất sau những tán lá rừng. Đây rồi, không khí Trung thu thực sự đến gần với các em hơn bao giờ hết khi mặt trời dần khuất dạng và mong chờ từng phút giây chị Hằng với chú Cuội hiện ra.
Chị Hằng và chú Cuội đã xuất hiện rồi. Nào cùng thắp sáng lên nào. Những ánh nến, đèn ông sao, đèn lồng dần được thắp lên rực sáng giữa không gian núi rừng, cả một đỉnh núi đen thẫm chợt như bừng bừng tỉnh giấc sau giấc ngủ say và đem theo những tiết mục văn nghệ đậm chất văn hóa bản địa của các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú…
Những ca khúc thiếu nhi rước đèn ông sao hay những ca từ thắm đượm lòng từ bi, bao dung và tình người nhân ái:
“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp núi rừng (*)
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bướm bướm
Em rước đèn này đến cung trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh lam với đèn trắng trắng
Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu
Tít trên cao dáng tròn xinh xinh
Soi xuống trần ánh sáng dịu dàng
Rằm tháng tám bóng Hằng trong sáng
Em múa ca vui đón chị Hằng”…(1).
Trên cao kia ánh trăng như soi tỏ những ánh mắt chờ đợi, những khuôn mặt khắc khoải của lũ trẻ như được vỡ òa khi biết chương trình đã chính thức bắt đầu, những tiếng hò reo như vang dội khắp thung lũng núi rừng, sự hân hoan, nụ cười, ánh mắt híp lại của những đứa trẻ mới lúc nào còn lấm lem bùn đất trên khuôn mặt, làm cho các chú bộ đội và các thầy cô giáo như thêm sức mạnh, những phần quà nhanh chóng được chuyển ra, nhìn núi quà tặng cao ngập những chiếc bàn học ở giữa sân trường đứa trẻ nào cũng thấy hân hoan.
Ánh trăng lạ lẫm, vẫn những đứa trẻ ấy thường ngày cuốc bộ đến trường trong những bộ quần áo phong phanh, mùa đông cũng như mùa hè, chúng nô đùa suốt trên những con đường dẫn đến trường, và để đến được trường học con chữ thật khó có thể cầm lòng khi từ đầu đến chân chúng lấm đầy bùn đất. Ấy thế mà dưới ánh trăng lồng lộng hôm nay chúng xúng xính trong những bộ quần áo mới với những gương mặt sáng sủa, những nụ cười tươi rói rạng rỡ và những ánh mắt lóng lánh ngây thơ, chúng thật đáng yêu quá.
Và trong những lời thì thầm gió đưa đi, ánh trăng như nghe được đâu đó những lời rì rầm trò chuyện giữa những tiếng hòa ca: “Chúng em cảm ơn các anh đã đem đến cho các cháu một trung thu đầy đủ mà ấm áp, có lẽ đây là lần đầu tiên chúng được đón một trung thu thực thụ, Tết Trung thu từ lâu cũng được xem là Tết của trẻ em, là dịp các em nhỏ luôn háo hức vì được nhận những phần quà mang đậm giá trị tinh thần. Thế nhưng, ở đây, những em nhỏ vùng sâu, vùng xa chưa có được niềm vui nho nhỏ đó anh ạ! Phải tận mắt chứng kiến mới thấy được sự thiếu thốn rõ rệt của các em bé vùng cao. Ở trên này, miếng ăn còn không đủ nên bố mẹ của các em cũng không có điều kiện chuẩn bị quà cho các con. Nếu ở dưới miền xuôi, mấy ngày cận kề Trung thu không khí nhộn nhịp bao nhiêu thì ở nơi này các hàng quán cũng không hề có bóng dáng của đồ chơi Trung thu… có em học sinh nhà xa, nên buổi trưa mang cơm đi học. Hộp đồ ăn chỉ có cơm và muối. Vậy nên, các em rất lạ lẫm với đồ chơi mới, nay được các anh mang cho chúng đồ chơi chúng thích lắm”. “Cô giáo yên tâm, từ giờ trở đi khi mà đơn vị kết nghĩa với trường chúng tôi sẽ cố gắng chăm lo các cháu trong những điều kiện có thể…”…
Dưới ánh trăng rạng rỡ, một vòng tròn cô trò xen lẫn các chú bộ đội nắm tay nhau nhảy những vũ điệu của núi rừng xung quanh một đống lửa đang bập bùng tỏa sáng và sưởi ấm trong cái se se lạnh của màn đêm. Ồ vui quá! Ánh trăng trên cao kia như cũng muốn nhún nhảy chung vui. Thấp thoáng dưới ánh trăng là những gương mặt rạng ngời của những bạn trẻ, các chú bộ đội sau nửa ngày bò dốc mệt nhoài nhưng vẫn tận tụy đóng những phần quà đèn ông sao, dép tổ ong, bát inox, bút viết, vở học sinh, mặt nạ… vào từng giỏ quà khiến cho ánh trăng hiểu được câu chuyện nơi đây và thêm phần cảm phục sự chân thành, tâm nguyện được một lần giúp đỡ và sẻ chia tình thương tới những đứa trẻ vùng cao mà họ mong muốn được thực hiện.
“Bây giờ cô sẽ kể cho các em nghe sự tích chú Cuội chị Hằng nhé, các em có muốn nghe không?”, “Có ạ!”. Trăng lặng lẽ lắng nghe cô giáo kể câu chuyện của chính mình “Ngày xửa, ngày xưa…”…. “Bây giờ các con cảm ơn các chú bộ đội đã mang đến cho chúng ta một đêm trung thu thật tuyệt vời nào!”, “Chúng con cảm ơn các chú bộ đội ạ…”.
Trăng lên cao rồi, phá cỗ đi thôi! Từng quả bưởi căng mọng nước được bóc ra, từng gói bánh nướng, bánh dẻo, bánh quy, bim bim được lột bỏ lớp vỏ loạt xoạt. Ôi chao đám học sinh ngoan quá, chúng ngoan ngoãn ngồi vào từng bàn phụ giúp các cô chú bày cỗ với đôi mắt thèm thuồng mà không vồ vập. Tay vẫn nắm chắc những chiếc đèn ông sao, những cây gậy như ý, những chiếc mặt nạ đủ màu sắc chúng vừa từ tốn chia nhau những chiếc kẹo, miếng bánh, múi bưởi, quả hồng…Trăng như càng muốn sà xuống, sáng rõ hơn để nhìn cho kỹ những gương mặt ngây thơ với cái miệng xinh xắn nhấm nháp những món quà trung thu đầu tiên được thưởng thức của đám trẻ. Hình ảnh những em bé tay ôm khư khư gói bim bim, ăn ngon lành cái kẹo khiến ánh trăng cũng như ra chiều ngẫm nghĩ.
Lửa trên sân đã tàn, chỉ còn chút hơi ấm. Những mâm cỗ cũng đã vơi. Chợt đâu đó vang lên tiếng khèn cao vút. Tiềng khèn Mông ẩn hiện réo rắt. Những hợp âm khèn đầy đặn, vuốt ve. Tiếng khèn ve ve toàn điệu đỏ, điệu vui, nghe kỹ còn thấy lẫn trong dòng thác âm thanh nô nức, là cái say, là cái tỉnh, cái khôn. Tiếng khèn bay lên chín tầng mây để trăng cũng ngẩn ngơ vén mây ngó xuống “Đứa nào thổi cây khèn thần mà hay đến thế?”. Tiếng khèn vang tới núi rừng để muông thú phải nắm tay nhau nhảy múa, hát ca, tiếng khèn hòa điệu nghiêng ngả, sà xuống chân núi, vờn trên con đầu con nước dưới sông rồi lại vút lên tít tầng mây xốp trắng như bông. A, đó là Tẩn Láo Lở đang thổi khèn đấy.
Rồi lại nghe đâu đó tiếng kèn lá êm ái dịu dàng hòa nhịp với tiếng khèn. Ồ là ra tiếng kèn lá của Sùng A Chang.
Ngồi bên gốc thông vi vút gió một học trò H’Mông khác nhấp nhổm không yên. Quên hết mọi cái, nó rút cây sáo, đặt lên môi. Sáo hay chẳng kém khèn, trầm ấm, vang xa. Tiếng sáo H’Mông thong thả hòa cùng tiếng khèn. Hồn người như thoát qua cái ống trúc, cuốn cả hồn của mọi người, bay bay, lượn lượn trên sân trường, tràn vào núi rừng xanh thẫm, vươn lên tầng mây cao vút có ánh trăng đang treo giữa trời. Ai dà, là thằng học trò Giàng Seo La thổi sáo hay nhất trường đây mà.
Những đứa học sinh gái với những bộ váy áo xập xòe leng keng tiếng xà tích điệu đàng nắm tay nhau múa theo từng điệu khèn, sáo bổng trầm….
Ôi tuyệt quá! Bản hợp âm của núi rừng hay quá, trăng như quên mất lối về chỉ muốn dừng mãi ở nơi đây để hòa mình với những âm điệu vi vút của đại ngàn.
Trăng bất chợt giật mình như thì thầm với rừng, với núi, với cô trò ở lưng chừng trời, thôi tạm biệt nhé, ta đi đây, ta đem ánh trăng sáng đến với toàn thể mọi người cùng chung vui trong ngày hội trăng rằm. Các thầy cô và các học trò hãy ngủ đi mai còn lên lớp, các chú bộ còn phải làm nhiệm vụ của mình. Trăng lả lướt qua các ngọn cây, trăng la đà qua từng ngọn núi…
Trên đỉnh Huổi Chan mọi người đang cùng nhau dọn dẹp. Vui quá, một đêm trung thu tuyệt quá! Chào ánh trăng nhé, cô trò ta đi ngủ đây. Còn các chú bộ đội vẫn còn phải nhờ ánh trăng soi lối tiếp tục đi tuần giữ bình yên cho giấc ngủ mọi người….
Đâu đó vẫn còn vang vọng tiếng hát:
“Tết Trung Thu bánh quà đầy mâm
Em bé nhà ưa đứng quây quần
Đòi hạt sen bánh dẻo đầy nhân
Em muốn ăn bốn, năm ba phần
Ngọt thơm như bánh dẻo bánh nướng
Ngọt cay như mứt gừng mứt bí
Ăn mát lòng lại thấy vui thêm
Hạt dưa nghe cắn nổ lốp đốp
Người vui hoan nói cười hấp tấp
Bao tấm lòng mừng đón trăng rằm”…(1).
HẾT
Việt Trì, 19/9/2020
Nguyễn Công Đức
******
(*): Câu hát đúng là “Em rước đèn đi khắp phố phường” được chế đi cho hợp cảnh.
(1): Lời bài hát Rước đèn tháng tám.