Phương ngữ Nam Bộ: Cái Mặt Chằm Dằm Chù Ụ

Phương ngữ Nam Bộ: Cái Mặt Chằm Dằm Chù Ụ

Quê tôi, hễ mặt ai sầm sầm và đăm đăm thường bị nói hay quở là “cái mặt CHẰM DẰM CHÙ Ụ”. Chằm dằm có nghĩa là đăm đăm. Còn chù ụ? Xin xem hình dưới đây và đọc một vài dòng. Và nếu có dịp, xin mời các bạn đến với quê mình để thưởng thức món chù ụ Duyên Hải, Trà Vinh nhé.
“Trong họ hàng nhà cua có con chù ụ, cái tên tuy lạ lẫm nhưng chất lượng không thua kém bất cứ một loài giáp xác nào. Du khách đến với Trà Vinh nghe cái tên ngộ nghĩnh “chù ụ” cũng háo hức khám phá và thưởng thức.
Chù ụ là một loài giáp xác thường sinh sống ở các bãi bồi, nơi dòng sông đổ ra biển hoặc các cánh rừng phòng hộ ven biển, nhiều nhất là huyện Duyên Hải tỉnh Trà Vinh. Thân hình giống như ba khía, con to nhất cũng khoảng 100g trở lại nhưng trông cục mịch và có vẻ chậm chạp hơn.

Phương ngữ Nam Bộ: Cái Mặt Chằm Dằm Chù Ụ

Hai càng chù ụ đỏ hoe, to và kềnh càng, nhiều thịt, trên mai lại có những vết hằn sần sùi giống như hoa văn, hình dáng quều quào, sù sụ, buồn. Có lẽ vì vậy mà người đời mới gọi là chù ụ.
Trước đây ít ai để ý nhưng từ khi trở thành hàng đặc sản và nghiễm nhiên có mặt trên nhiều bàn tiệc, lúc đó nhiều người mới tranh nhau săn bắt, khiến chù ụ ngày càng quý hiếm và giá cũng tăng cao.
Được cho chậm chạp, nhưng những người chuyên bắt chù ụ cho biết muốn tóm được chúng không dễ gì. Đồ nghề duy nhất để bắt chù ụ chỉ cần một cài xẻng đào đất. Sáng sớm người ta mang đồ nghề, can nhựa và thức ăn lội sâu vào các cánh rừng đước ven biển để tìm hang.
Chù ụ ở rất sâu trong hang nên người giỏi nhất mỗi ngày cũng chỉ kiếm khoảng 2-3kg nhưng vô cùng vất vả vì suốt ngày phải đối mặt với muỗi mòng, đỉa vắt và biết bao nguy hiểm khác đang rình rập.
Bắt xong phải cấp tốc giao hàng vì khi cho vào thùng chù ụ chỉ sống được một ngày. Muốn vận chuyển đi xa phải ướp lạnh.

Cũng như các loài tám cẳng hai càng khác như cua, ba khía… chù ụ có nhiều cách chế biến khác nhau tùy bàn tay khéo léo và sáng tạo của người thợ nấu. Thông thường là các món chù ụ nướng, luộc, hấp bia và cầu kỳ tỉ mẩn hơn nữa là chù ụ rang me. Có lẽ rang me là món ruột của các chủ quán nên họ có nhiều kiểu cách chế biến hấp dẫn và nhiều chiêu thức để mời mọc.
Muốn làm món rang me, trước hết người làm cạo rửa con chù ụ cho thật sạch, xong cho vào chảo dầu đang sôi. Tiếp đến cho hành tỏi vào xào cho đến khi nào bốc mùi thơm phức mới cho nước cốt me vào, sau cùng nêm nếm cho vừa ăn.
Cái ngon của chù ụ là những chiếc càng giòn rụm, thịt chắc và ngọt. Vị chua của me và vị ngọt, béo của chù ụ hòa quyện vào nhau tạo thành một mùi vị thơm ngon đáo để. Cái thú ăn chù ụ là nhai chầm chậm để cảm nhận hết vị chua, béo, ngọt và giòn của món quà từ biển.
Thong thả thưởng thức sẽ bắt gặp chút hương vị của mùi ba khía, chút hơi hướm của cua biển và mùi vị đặc trưng của chù ụ.
Nhiều bà con ở biển Ba Động, huyện Duyên Hải cho biết vào tháng 2 – 3 âm lịch là mùa chù ụ lột vỏ, thịt trở nên thơm ngon và béo ngậy. Dân trong nghề gọi là chù ụ “cốm”.
Dù là món nướng, luộc, hấp hay rang, muốn tận hưởng cái ngon của chù ụ cần phải có vài thứ rau ăn kèm như rau răm, rau thơm, xà lách và chấm với muối tiêu chanh hoặc chanh ớt. Riêng món chù ụ rang me, chấm muối tiêu chanh cũng đủ tạo nên một cảm giác lạ miệng, càng ăn càng thấy ghiền.”
Và, nhìn hình ở trên, gương mặt của các bạn lúc giận, quạu quọ sẽ rất giống con chù ụ. Vì thế, hãy thay đổi gương mặt “chằm dằm chù ụ” bằng một nụ cười tươi nhé.

Nguyễn Trung Nam
Theo dõi
Thông báo của
guest
1 Comment
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Thu Hiền
Thu Hiền

Giờ e mới biết có con này đó a :)))