Nghệ thuật – vô vị lợi và sự thể nghiệm

Nghệ thuật - vô vị lợi và sự thể nghiệm

Nghệ thuật là một lĩnh vực cơ bản của đời sống con người. Từ thời cổ đại, người ta đã biết vẽ, biết múa hát để giải trí sau những giờ săn bắn và hái lượm. Dần dần xã hội phát triển, người ta nâng tầm những hoạt động giải trí lên với tiêu chuẩn của cái đẹp và thưởng thức nó với những tiêu chuẩn và quan niệm khắc khe nhất định. Trải qua một thời gian dài, dẫu nhiều thăng trầm, đến thế kỉ XXI này, nghệ thuật vẫn đứng vững và vẫn đóng góp một phần quan trọng vào cuộc sống của nhân loại. Mạng internet đã đưa mọi người xích lại gần nhau, đưa nghệ thuật lan tỏa đến nhiều nơi và cũng đặt nghệ thuật vào nhiều tình thế khó xử. Đó là những quan niệm khác nhau về nghệ thuật. Ai cũng có thể coi mình là nghệ sĩ, tác phẩm nào tạo ra cũng có khả năng trở thành nghệ thuật nhưng yêu cầu nói ra điều gì tạo nên giá trị của một tác phẩm nghệ thuật thật sự thì không phải ai cũng giải thích được.

Nghệ thuật - vô vị lợi và sự thể nghiệm

Vấn đề đầu tiên liên quan đến nghệ thuật là khái niệm “vô vị lợi” (không vì lợi ích của bản thân) của cái đẹp. Từ thời văn minh Hy Lạp – La Mã, những người am hiểu nghệ thuật đã thừa nhận một quan điểm cốt lõi để đánh giá tác phẩm là khái niệm cái đẹp. Đẹp là sự hài hòa, cân xứng. Nhưng cái đẹp muốn thành nghệ thuật phải có tính chất “vô vị lợi”. Cái vô vị lợi là tạo ra sản phẩm nào đó với tâm thế không vì lợi ích thiết thân của mình, không vì lợi ích vật chất cụ thể của con người. C. Marx từng nói trong bộ Tư bản luận rằng: “con vật (con ong, kiến) cũng xây tổ, đào hang nhưng nó chỉ thực hiện theo yêu cầu của giống loài và lợi ích thiết thân của nó. Con người, có thể sáng tạo và ra những thứ không chỉ cho mình mà còn cho người khác, sáng tạo theo kích thước của giống loài”. Khi con người mất cả tháng để vẽ một bức tranh mà không phải để cho bản thân mình và gia đình no ấm hơn, khi ngồi hàng giờ để trang trí một cái bình không phải để đựng nước, khi mất hàng tuần viết ra một giai điệu không phải để cảnh báo nguy cơ, thì khi ấy, họ đã làm một việc làm vô vị lợi, nghĩa là họ sáng tạo ra những vật dụng không phải đáp ứng nhu cầu vật chất của mình; họ làm để thỏa mãn tinh thần của mình và cho người khác. Khi ấy, họ đã chạm đến nghệ thuật. Vì vậy, điều cốt lõi của một tác phẩm được coi là nghệ thuật khi nó phải vô vị lợi, không phục vụ các yêu cầu vật chất thiết yếu của người sáng tạo lẫn người xem.

Người nghệ sĩ khi chụp một tấm ảnh, viết một bài thơ, diễn một vai nịnh thần hay một vai trung nghĩa, … mà không có bất cứ sự viện dẫn trực tiếp từ thực tế cuộc sống nhưng vẫn cho người ta thấy như là cuộc sống có dụng ý, thì khi ấy, anh ta đã làm nghệ thuật. Có status trên trang facebook cá nhân với dòng chữ đại ý như vầy: Làm nghệ thuật cũng phải sống cho nên khi bạn đến tiệm của tui, xin vui lòng thanh toán tiền mặt. Câu quảng cáo này là của một nhiếp ảnh gia, anh thích săn ảnh và có làm thêm nghề chụp hình chân dung. Thỉnh thoảng anh cũng cầm máy đi cả ngày với anh em, còn đa phần anh đi dạy và ngồi nhà cầm máy kiếm tiền. Vậy, nếu đồng ý với quan niệm nghệ thuật là vô vị lợi thì những bức ảnh chụp cho người mẫu để nhận tiền của anh có được coi là nghệ thuật không? Ở một góc nhìn nào đó, theo tôi, là không phải. Vì khi anh chụp để nhận tiền công nghĩa là anh phải nhìn cái đẹp theo người trả tiền chứ không hoàn toàn là cái riêng của anh. Cái đẹp trong bức ảnh đó bị chi phối bởi cái lợi ích tiền bạc chứ không phải vô tư mà thưởng thức. Anh khó có thể nói lên một tư tưởng, một giá trị tinh thần nào đó với góc nhìn hoàn toàn mới. Nếu có chăng, cũng là sự vay mượn từ cái đã có hoặc do các hiệu ứng từ phần mềm chỉnh sửa ảnh. Vì vậy, hơi chút cực đoan, nhưng nếu chụp ảnh mà đòi tiền công thì lúc ấy vẫn là thợ chụp, là người đi buôn hơn là làm nghệ thuật. Thế nên, khi mình chụp một cô gái đẹp, với một tông màu đẹp, một bối cảnh đẹp mà chìa tay nhận tiền người mẫu thì có nghĩa là bạn đang kinh doanh chứ không phải làm nghệ thuật. Khi bạn đăng một tấm ảnh để mục tiêu kiếm tiền hay chờ đợi chấm giải thì khi ấy bạn cũng không làm nghệ thuật. Nghệ thuật có cơ sở từ cái đẹp, nhưng chỉ có cái đẹp không thôi thì cũng không thể kết luận nó là nghệ thuật. Nó phải vô vị lợi.

Nhưng nói như trên thì có người sẽ hỏi: “vậy thì một bức tranh trị giá vài nghìn đôla, một bức ảnh nghệ thuật trị giá vài trăm triệu đồng thì có vị lợi hay không?”. Thật ra, vấn đề đánh giá trao giải thưởng hay mua bán tác phẩm nó thuộc một lĩnh vực khác, lĩnh vực kinh doanh nghệ thuật. Còn khi người nghệ sĩ sáng tạo anh ta phải vô vị lợi.

Để sáng tạo nghệ thuật, người ta phải có khả năng thể nghiệm mình. Thể nghiệm là một năng lực quan trọng của người nghệ sĩ, là việc biến mình thành một người khác, một tâm trạng khác với bản thân mình nhưng vẫn bằng thân xác mình. Thể nghiệm không phải là diễn kịch, càng không phải là sự rập khuôn mà là cách đặt cảm nhận của mình ở người trong cuộc để hiểu cảm và làm cho người khác cảm hiểu. Trong đời sống hằng ngày, ấn tượng của cảm xúc nhiều người trong chúng ta phải được tôi luyện và trải qua thời gian. Nhiều người có được những ấn tượng chỉ vì ngẫu nhiên và dựa vào kinh nghiệm. Nghe tiếng còi xe cấp cứu ngang qua tai mình, ai cũng biết là có người bệnh, cần tránh xa chiếc xe. Tuy nhiên, nếu người nào đã từng có người thân bị bệnh hay bị tai nạn mà phải ngồi trên xe cấp cứu thì họ sẽ cảm nhận tiếng còi ở một cảm xúc rất khác so với người chưa bao giờ trải qua trình trạng vừa nêu. Người đã từng trải sẽ cảm nhận được biết bao nhiêu hình ảnh dằn vặt, đau đớn, lo âu của những người có mặt trên xe trong thời khắc thập tử nhất sinh của người bị nạn; ngược lại người bình thường không có cảm xúc đó và cũng không thể có. Muốn có cảm xúc như vậy, đa số chúng ta phải trải nghiệm qua thực tế.

Người nghệ sĩ không như vậy, họ có khả năng thể hiện sự trải nghiệm trong tác phẩm dù đôi khi bản thân chưa từng chứng kiến hay trải qua. Họ phải tự mình hóa thân, tự mình đau khổ, tự mình cơ hàn, tự mình thống khổ trước ảnh chia li một cách như thật dù thực tế họ chưa bao giờ làm như vậy. Họ phải đau và làm cho người xem thấy được nỗi đau đó, và có để đau nỗi đau mà họ mong muốn. Khi ấy, họ bước chân vào nghệ thuật. Nghệ thuật là làm cho thông điệp tự lóe lên, chứ không phải được phơi bày. Người nghệ sĩ chỉ có quyền thổ lộ hết vào bên trong tác phẩm chứ không được quyền giải thích bên ngoài tác phẩm. Chuyện hiểu là của thiên hạ và người xem chứ không phải là của người nghệ sĩ, anh chỉ có quyền tạo ra tác phẩm và đưa nó ra cuộc sống. Từ đó, anh mất quyền kiểm soát về giá trị tác phẩm, anh mất quyền bào chữa cho cái đẹp và anh mất luôn quyền đánh giá mang tính định hướng ý tưởng của tác giả. Anh chỉ có quyền sở hữu cái khung vật chất chứa đựng tác phẩm và trí tuệ được định giá trong tác phẩm. Khi ấy, tác phẩm nghệ thuật sẽ quyết định anh là nghệ sĩ hay không, là người làm nghệ thuật hay hoặc dở. Tác phẩm còn tạo ra nghệ sĩ chứ không phải nghệ sĩ mới tạo ra tác phẩm.

Do đó, phải vô vị lợi và có sự thể nghiệm tự trong bản thân thì mới có nghệ thuật.

Huỳnh Vũ Lam
Theo dõi
Thông báo của
guest
3 Comments
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Huỳnh Đài Anda
Huỳnh Đài Anda

Khi chụp 1 tấm ảnh, người chụp không (hoặc chưa) nghĩ đến bất kỳ sự đặt tên nào. Nhưng khi mang tấm ảnh đó đi dự thi thì sự đặt tên là bắt buộc. Thế mình nên làm thế nào?

SU Bin-win
SU Bin-win

đặt tên thì cứ đặt tên cho đúng quy định he he

Huỳnh Vũ Lam
Huỳnh Vũ Lam

Vậy thì thể nghiệm bản thân lại cái lúc mình chụp xem mình muốn điều gì Huỳnh Đài Anda. Nếu ko được nữa thì tự sáng tạo theo nghĩa thể nghiệm cái hiện tại.