Thường mùa làm sắn bắt đầu vào đầu tháng mười một âm lịch cho tới khoảng giữa tháng. Đó là lúc thời tiết bắt đầu lạnh, nhưng ban ngày thì nắng gắt, vì thế sắn được phơi sẽ nhanh khô. Theo kinh nghiệm dân gian, đêm càng lạnh buốt thì ngày nắng càng to. Người dân quê tôi chẳng ngại giá buốt mà ngược lại mọi người còn rất vui mừng.
Ngày ấy, cuộc sống vẫn còn khó khăn và nghèo đói, cây sắn đã là nguồn lương thực chủ đạo của người dân quê. Thế nên sắn được quý như thóc gạo. Cây sắn được trồng và chờ đợi ngày thu hoạch, khi đó chính là mùa làm sắn.
Khi trời còn mờ sáng, trong làng nhà nhà đã lịch kịch quang gánh, xe cải tiến để đi lên ruộng sắn. Khắp đường làng là những tiếng chào hỏi, gọi nhau, trời vẫn còn tối nhưng mọi người nhận ra nhau qua tiếng nói. Bước chân người và tiếng nói của họ vén màn sương sớm làm chúng tan nhanh. Trời dần sáng rõ mặt người.
Ruộng sắn bị những bàn tay người lay gọi, ngọn sắn rùng mình trút những giọt sương xuống vai áo bố, thân sắn xù xì làm phòng tay mẹ. Nào có hề hấn gì đâu, những bàn tay vẫn nhanh nhảu nhổ sắn. Tiếng lục khục của củ sắn đang lách mình hiện lên khỏi mặt đất làm cho người thu hoạch sắn thấy say mê. Những củ sắn to, sai chi chít làm rạng rỡ mặt người, những bàn tay thoăn thoắt chặt củ dời khỏi gốc sắn. Củ sắn chất thành đống to ở giữa ruộng. Mọi người bắt đầu đánh vảy (dùng lưng dao, liềm loại bỏ lớp vỏ ngoài của vỏ sắn) và rửa sắn. Tiếp đến là công đoạn thái sắn. Con dao mỏng và sắc trong tay bố thái những củ sắn ra những miếng mỏng hình bầu dục. Những miếng sắn màu trắng như nhảy múa qua lưỡi dao rồi rơi xuống những thúng đặt la liệt quanh bố. Mẹ bắt đầu rải rơm rạ ra khắp mặt ruộng và bắt đầu phơi. Những miếng sắn được xếp ra khắp ruộng, những đốm trắng ấy nằm chi chít tạo nên một khung cảnh mới mẻ và lạ lẫm. Tôi thích thú vì điều đó.
Những ngày làm sắn là những ngày mọi người dành nhiều thời gian ở ruộng. Bữa trưa cũng được ăn tại ruộng. Lũ trẻ con chúng tôi thì tỏ ra thích thú. Những bữa ăn ngoài ruộng như thế sau nay đã trở thành một kỷ niệm rưng rưng và ấn tượng. Sau những ngày nắng to, sau những sương gió, lạnh giá thì những miếng sắn cũng khô cong, trắng tinh và thơm tho. Nhưng cũng có năm dính mưa, sắn mốc meo, vàng, xanh xấu xí. Và khi ấy lòng người cũng dầu dĩ buồn phiền. Nhưng sắn có mốc meo thì vẫn cố phơi, cố giữ và cất đi làm nguồn lương thực. Cây sắn vì thế mà trở thành ân nhân của người dân quê nghèo.
Năm tháng qua đi, mọi thứ đều đổi khác. Cây sắn đã không còn là của quý và mùa làm sắn đã không còn là niềm mong ngóng của bao người. Ngày nay, công việc làm sắn đã không còn vất vả như trước. Thời gian làm sắn đã không còn kéo dài từ nửa tháng đến hai mươi ngày như trước mà chỉ khoảng một tuần trở lại đã xong xuôi. Bây giờ chỉ cần nhổ sắn và chất củ lên xe cải tiến kéo về nhà. Cái máy ruôi sắn có thể nuốt cả ruộng sắn chỉ trong thời gian rất ngắn. Sắn được ruôi nhỏ nên rất mau khô. Mẹ tãi sắn ruôi ra khắp sân, màu trắng phủ lên mặt sân gạch đỏ làm lóa mắt cả người.
Bây giờ, vào mùa làm sắn, những thương lái đánh ôtô về tận ruộng để thu mua sắn tươi. Nhiều người nhổ sắn rồi đem bán luôn không phải mất công làm. Cũng có người vẫn làm sắn đem phơi rồi cất đi làm thức ăn cho vật nuôi trong nhà hoặc đợi lúc giá cao đem bán. Mùa làm sắn đã trở nên khác với ngày trước. Không náo nức. Không mong ngóng, lo âu. Nhưng có một điều tôi dám chắc, với không ít người xa quê khi nhắc tới mùa làm sắn lòng họ sẽ rộn lên một nỗi niềm thân thương và nhung nhớ. Họ nhớ mùa làm sắn quê mình.
Lê Minh Hải
Văn hay, ảnh đẹp quá
Trong miền Nam, vụ chính để thu hoạch sắn là sau tết. Còn tháng 11, 12 âm cũng có nhưng rất ít. Còn miền Trung, Bắc lo thu hoạch sớm để chạy lũ.
Đọc bài chắc bác ở miền ngoài nhỉ?
Lại thèm sắn
Mùa đông này sắn luộc hay sắn nướng thì tuyệt. Chưa kể món nõn sắn xào hay muối dưa