Đang thong dong lướt trong chiều nắng nhẹ trên con đường ở miền cao nguyên yên ả, chợt nghe bản tin phát ra từ Radio trên xe “Dự báo bão đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền trung…”. Nghe xong bản tin, tất cả những ký ức của những ngày mưa bão lần lượt hiện về trong tâm trí như một cuốn phim quay chậm.
Quê tôi đó miền chiêm trũng lúa hai vụ gặt, nơi được coi là vựa lúa của Nghệ An, gối đầu vào dãy núi phía tây quây bọc, phía đông gò bụng ôm triền cát dọc biển khơi. Phía biển đẹp mơ màng mỗi năm dội về bao cơn bão, xoáy thốc những sắc màu vẽ bằng mồ hôi mặn chát của người dân cần cù chăm chỉ.
Khi có tin bão xa phát trên đài thì dường như tiếng nói của mọi người trao đổi như nhỏ hơn, dứt khoát hơn và chất chứa những lo âu nhưng điềm tĩnh, phải chăng đã được thiên nhiên rèn dạy.
Những bước chân khoát vội về nhiều phía, phía rừng, phía vườn rồi phía ruộng. Nỗi lo của cha trải trên những vạt rừng đồi khi keo gần tới mùa thu hoạch, cái mái ngói nhà mình đủ chắc chắn ràng dây, chặn cát hay chưa. Ánh mắt mẹ thoáng qua nơi hũ gạo, liệu chừng kia có hết nửa chừng. Lũ chúng tôi, những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa đến” thì cũng chỉ biết líu ríu nhau, mơ hồ về một sự sợ hãi chợt nhớ, chợt quên.
Hồi hộp pha chút sợ hãi là khoảng thời gian chờ bão tới, hệt như chờ một vị khách không mời mà lại được báo trước. Trời âm u tĩnh lặng, không gió cũng không mưa. Cái ong ong quần đảo vô hình không rõ nét có lúc dường như nghẹt thở, trên trời cao vắng bóng chim bay, dưới thấp cũng không hề thấy một vết cánh chuồn chuồn, lũ chúng đã tìm nơi ẩn nấp. Thỉnh thoảng vang lên một tràng tiếng nghiến răng còng cọc của lũ cóc trong hốc tường chờ mưa tới. Không khí trầm mặc, mông lung…
Rồi giữa cái âm u của trời đất nứt ra vài tia chớp nhì nhằng, mưa bắt đầu sầm sập tới. Mưa bão quá quắt xỏ xiên đan từ nhiều phía, ào qua ràn rạt tựa hồ trút hết sự giận dữ vào mọi vật, ngó qua làn mưa nhìn lũ gà ướt lướt thướt nép vào hiên nhà phát tội. Con chó mực cứ nơm nớp quấn vào chân người vì sợ tiếng sét, thỉnh thoảng chớp rạch một đường kỳ dị trên trời, khiến mọi vật hoa lên, mờ ảo trong màu sáng tím chập chờn. Trong ánh sáng nhập nhoàng mưa, bóng cha lúc mờ lúc đậm ngoài bờ ao, cha đang be lại cái bờ, đắp vào đó những niềm hy vọng pha lẫn sự thỉnh cầu về thành quả của gia đình trong cả mấy tháng qua. Bóng mẹ mang tơi ròng ròng nước chảy, mẹ lo cho đàn lợn ướt nước đêm nay, lo cho con bò có thêm bó rơm không bị ướt. Chỉ có lũ chúng con được ấm, được bảo bọc trong ngôi nhà có bóng mẹ cha che chở, lòng dâng lên một niềm tin, một tình thương yêu rưng rưng khó tả dành cho bậc sinh thành.
Rồi bão đến, cơn gió cuồng nộ nối tiếp nhau, quăng quật, vò xé cấu rách từng mảng không gian mà ném đi. Những thân cây dầm trong mưa bị xoay vần rồi bật gốc, cành lá bị bứt rời cuốn lên không trung cùng gió và mưa. Bụi tre gai uy nghi lừng lững góc vườn bị cơn gió vặn xoay ngang ngửa, ngọn tre trĩu nước rạp sát đất rồi bật tung lên kéo theo cả chùm thân lạc đầy củ trắng tinh rơi lã chã. Cây mít bị cơn gió bẻ ngang, phần ngọn chới với xoay lên cao bay qua mái nhà rồi cắm phập xuống giữa cái sân gạch trước nhà tựa hồ như có bàn tay khổng lồ ngắt ngang rồi cắm xuống, mấy quả mít non lăn lông lốc vào sát góc sân nằm chỏng chơ, đẫm nước. Khóm chuối mật mốc cùng buồng trái cùng gục xuống như bị dao phạt ngang thân, những cây non còn lại lá rách tơ tướp oằn mình trong gió thổi. Căn nhà rường bị gió nhích lên rồi thả xuống, cột kèo kêu lên từng tiếng cót két rợn người, từng hàng ngói bị lực hút ngược lên lại sập xuống tựa chực bay đi, vang lên từng loạt âm thanh rào rạo, lách cách. Cây bưởi sát sân nhà trơ ra những cái gai dài nhọn hoắt, lá đã bị vặt hết nhẵn, mấy quả bưởi non lăn tròn trên sân, mỗi lúc mỗi xa theo chiều gió thổi.
Cha vẫn đứng ngoài mưa, thân hình chúi thấp về phía trước để giảm bớt lực gió, hai chân choãi ra bấm siết vào đất nhão nhoét, lúc thì nhìn lên mái nhà dè chừng, lúc thì quan sát cái chuồng bò ước lượng xem nó có chịu nổi cơn gió giật của bão hay không, qua màn mưa gương mặt cha đầy vẻ điềm tĩnh, trầm ngâm. Mẹ trùm cho mấy chị em một tấm chăn chiên cho ấm lại vừa bớt sợ vì che bớt được cảnh tượng xung quanh. Mấy chị em thỉnh thoảng lại hé mắt vén chăn nhìn rồi vội vàng rụt lại, lòng cầu mong cho cơn bão nhanh qua. Mẹ vẫn thổi cơm, dù củi mùn ẩm ướt khác ngày thường, khói bếp um lên bớt đi phần lạnh lẽo. Bóng mẹ hắt lên tường những cử động uyển chuyển mềm mại dường như ngoài trời chưa xẩy ra chuyện gì, chắc lẽ việc lo đàn con đói, lo chồng cạn sức vì chống bão được mẹ để hết tâm trí vào nên không còn để ý đến hàng loại tiếng gào rú cuồng nộ của đất trời.
Màn đêm đã đen kịt tự khi nào, trong mưa bão thì thời khắc giữa ngày và đêm nhạt nhòa khó biết. Lũ chúng con đã chìm dần vào giấc ngủ ấm dù cho từng cơn gió giật còn liên tiếp đi qua, mưa thì liên hồi chưa dứt, xối xả, mịt mùng. Cha mẹ vẫn tất tả gồng mình với những cây nạng chống nhà cắm thẳng vào những góc tường trọng yếu, ghim chân nạng vào đất rồi giữ chặt…
Trời sáng, cơn bão cũng đã qua, vẫn nụ cười hiền hậu của cha và mẹ nhìn đàn con lần lượt thức giấc, căn nhà ấm êm quen thuộc cùng cha mẹ vượt qua cơn mưa bão một cách ngoan cường. Dù rằng có mấy viên ngói bị tốc, một góc tường bị nứt rồi thấm ướt, gương mặt cha, mẹ thâm quầng do thiếu ngủ, tay chân bờn bợt nhăn nheo bởi dầm nước thâu đêm.
Bão tan, bầu trời trong xanh trở lại, con đường được rửa sạch nhưng lại phủ đặc lá cây, một con chim Chàng làng vắt vẻo trên ngọn tre sót lại bắt chước tiếng chó sủa, gà kêu nghe thật buồn cười. Vườn mía gãy đổ ngổn ngang nhưng chưa thể ăn được vì nhạt thếch, khế rụng đầy quanh gốc chua lè.
Cả mấy ngày sau bão phải bắt tay sắp đặt mọi thứ vào quy củ. Thu dọn hết những gì bão gây ra để dùng vào công việc hợp lý, những thứ ăn được xóm giềng trao đổi cho nhau cùng chế biến ăn dần. Con gà bị cành cây quất gãy cánh được làm thịt, cha mời hàng xóm tới uống với nhau chén rượu mừng xóm nhỏ được bình yên.
Rồi vườn tược được gieo trồng lại, đàn cá dưới ao quẫy đuôi đớp bóng hàng ngày, cây mít gãy còn mấy quả sót lại bắt đầu chuyển màu đòi chín. Khóm tre bật gốc nay lại nhú lên tua tủa mấy búp măng, chứng minh một sức sống mãnh liệt giống hệt như người dân nơi xóm nhỏ quê tôi, một góc bình yên trong lòng xứ Nghệ.
Nguyễn Duy Hà
Lâm Đồng 18.9.2020
Ảnh: Internet
Bài viết hay lắm.
Mưa bão quê tôi , đã bao đời gồng mình gánh chịu.
Thương lắm mảnh đất miền trung.
Mình chưa tận mắt thấy khi bão về, nhưng qua những gì bạn tả và khung cảnh tan hoang sau những cơn bão trên TV, mới thấy sức chịu đựng của người dân miền Trung. Cảm ơn Duy Hà nhé.
Năm nào chẳng thế, người miền trung ít nhất là yêu đương giận hờn với vài cơn bão. Chả khác nào sự đỏng đảnh và ghen tuông trong tình yêu anh nhỉ. Hí hí
Mưa bão. Nỗi khiếp sợ của mình đấy bạn.
Bài viết rất hay!
Đọc mà thấy tuổi thơ của mình, mạnh nhất cơn bão cấp 7, cấp 8 năm 80 ngoài , làm đổ, tróc gốc những cây xà cừ mấy vòng tay ôm ven đường QL
Thương lắm miền Trung, thương quê mình huyện Lúa, hạn nắng cháy trời, khi mưa thối đất hàng năm hứng chịu vài cơn bão cuộc sống bao vất vả khó khăn mà tình người vẫn gừng cay muối mặn .
Bài viết hay, chúc mừng bạn .
Thương lắm quê mình, đi qua những mùa mưa bão! Và thật cảm phục, qua mùa mưa bão, sự sống lại bừng lên, đâm chồi nẩy lộc!
Đọc bài viết mà bao ký ức hiện về vì tả cảnh chân thực quá ạ . Hà nội trước đây ảnh hưởng bão về nặng hơn bây giờ .nhưng khi mưa bão đi qua mọi thứ ngổn ngang tả tơi
Ông giáo … như Thạch Lam …sao mà nhiều thứ ông giỏi thế.. giỏi hết phần người khác rồi … chúc mừng ông giáo
Ngày bé bão qua là đi bắn chim trả. Hú hú
Trên đó có ảnh hưởng chi không bạn ơi ?
Thương lắm miền Trung. Mình ở ngoài Bắc cũng chứng kiến nhiều trận bão, hồi bé bão xong là đi nhặt bưởi rụng khắp vườn
Bài viết tái hiện cảnh rất thật mà đầy cảm xúc!
thương quá
Nhìn cái pic mà thấy cuộc sống chênh vênh
Hay quá. Thích nhất phần kết. Chúc mừng tác giả!
Anh gửi dự thi thương nhớ miền Trung đi, bài viết hay và chân thực
Bài viết đã từ từ dẫn dắt những người con xứ Nghệ nói riêng các vùng bị mưa bão nói chung về với ký ức không thể nào quên khi có mưa bão
Rất thật! Bạn thức dậy trong tôi nỗi ám ảnh của cơn bão số 7 năm 1982 !
Âu Văn Hải, Đúng rồi bạn.
“Xứ Nghệ ân tình răng mà thương mà nhớ…”
Hay lắm ạ.
Thương quá miền trung ơi